Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hơn 20% số loài bò sát trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng

NA - 14:32, 28/04/2022

Hơn 20% số loài bò sát trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó bao gồm hơn một nửa số loài rùa và cá sấu. Đây là cảnh báo của các nhà nghiên cứu đưa ra trong báo cáo đầu tiên về các loài sinh vật máu lạnh được thực hiện trên quy mô toàn cầu.

Loài rùa có nguy cơ cao bị tuyệt chủng (Trong ảnh: Rùa biển ở Côn Đảo)
Loài rùa có nguy cơ cao bị tuyệt chủng (Trong ảnh: Rùa biển ở Côn Đảo)

Trong một báo cáo công bố ngày 27/4 trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã xem xét và đánh giá 10.196 loài bò sát theo tiêu chí của Danh sách đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo đó, ít nhất 1.829 loài bò sát, tức 21%, đứng trước nguy cơ dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp. Ông Neil Cox, người đứng đầu Bộ phận Đánh giá đa dạng sinh học và bảo tồn quốc tế thuộc IUCN và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết con số này cao hơn nhiều so với con số đưa ra theo đánh giá hiện nay.

Theo báo cáo, cá sấu và rùa nằm trong số những loài bò sát có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất. Có 58% số loài cá sấu và 50% số loài rùa đang bị đe dọa. Ông Cox cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cá sấu thường bị giết để lấy thịt và cũng là để bảo đảm an toàn cho các cộng đồng dân cư, trong khi rùa thường bị săn bắt và buôn bán làm vật nuôi hoặc sử dụng là thành phần trong các bài thuốc y học cổ truyền.

Rắn hổ mang chúa - loài rắn độc dài nhất thế giới với chiều dài có thể lên đến 5m, cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ. Rắn hổ mang chúa hiện được phân loại là "dễ bị tổn thương", đồng nghĩa sắp có nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo ông Cox, nạn khai thác gỗ bừa bãi và các cuộc tấn công có chủ ý của con người là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với loài này.

Nhà động vật học Bruce Young tại NatureServe, cũng là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết các loài bò sát bị đe dọa chủ yếu phân bố ở Đông Nam Á, Tây Phi, miền Bắc Madagascar, phía Bắc Andes và khu vực Caribe. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những loài bò sát sinh sống ở môi trường sống khô cằn như sa mạc, đồng cỏ... ít nguy cơ bị đe dọa hơn so với những loài bò sát sống ở môi trường rừng.

Hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ, các loài ngoại lai xâm hại và quá trình đô thị hóa là những mối đe dọa lớn nhất đối với loài bò sát. Trong khi đó, biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đối với 10% số loài bò sát. Tỷ lệ này thực tế có thể cao hơn nếu tính đến các mối đe dọa lâu dài như mực nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật...

Báo cáo đánh giá trên có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, được thực hiện trong khoảng 15 năm. Các nhà nghiên cứu hy vọng đánh giá mới sẽ giúp thúc đẩy một hành động toàn cầu để ngăn chặn mất đa dạng sinh học.

Dự kiến, khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ thông qua Công ước về đa dạng sinh học (CBD) trong năm nay, trong đó có mục tiêu bảo vệ thiên nhiên vào trước giữa thế kỷ này khỏi hoạt động tàn phá do con người gây ra và ít nhất 30% diện tích đất liền và biển được bảo vệ vào trước năm 2030. Theo các nhà khoa học, hiện có hơn 40% số loài động vật lưỡng cư, 25% loài động vật có vú và 13% loài chim có thể đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.