Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hồn tre Tây Nguyên

Lê Hường - 07:27, 16/05/2022

Trước đây, trong cuộc sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất, các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu nương tựa vào tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Vì thế mà cây tre, nứa gắn liền với đời sống của họ, từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày đến những nhạc cụ dân tộc độc đáo làm nên âm thanh đặc trưng của đại ngàn.

Nhiều du khách đến Bảo tàng Đắk Lắk tham quan trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”
Nhiều du khách đến Bảo tàng Đắk Lắk tham quan trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”

Phong phú sản phẩm từ tre nứa

Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã biết sử dụng tre nứa để chế tác vô số loại vật dụng, nhạc cụ dùng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất đến tinh thần. Trong đó,  đan lát trở thành nghề thủ công truyền thống, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS nơi đây. Ngày nay, những vật dụng bằng tre nứa như sàng, mẹt, rổ, đồ bắt cá, gùi và nhạc cụ truyền thống vẫn rất phổ biến trong các buôn, làng Tây Nguyên.

Nhiều năm làm nghề đan lát, nghệ nhân Y Thứ Niê, 73 tuổi buôn Kô Sier, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã đan hàng trăm chiếc gùi, rổ, đồ bắt cá… cho gia đình và bán cho người dân trong buôn.

Nghệ nhân Y Thứ nắm rõ tiêu chuẩn để có sản phẩm tre nứa đẹp, chất lượng. Ông bảo: tháng 7 dương lịch, là thời điểm đàn ông trong buôn lên núi chọn cây tre, nứa, lồ ô... về làm gùi, phục vụ đan lát.

Để sản phẩm bền đẹp phải chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng, không có trăng. Bởi cây tre đầu tháng nhiều nước dễ bị mọt. Phải lựa cây tre thẳng đều và dài, thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, khi đan không phải nối nhiều đoạn. Đối với cây nứa, phải chọn nứa bánh tẻ, khoảng 12 tháng tuổi trở lên.

Các nghệ nhân đan lát, chế tác nhạc cụ biểu diễn tại Bảo tàng Đắk Lắk
Các nghệ nhân đan lát, chế tác nhạc cụ biểu diễn tại Bảo tàng Đắk Lắk

Ngoài việc chọn nguyên liệu đúng chuẩn thì công đoạn vót, chẻ nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đan lát đẹp.

Theo nghệ nhân Y Thứ, chẻ nan mỏng hay dày là phụ thuộc vào sản phẩm sẽ đan. Sau khi chẻ nan, phải chuốt nan sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khiết vào nhau. Đối với những sợi nan tạo hoa văn được để riêng, vót trước khi đan. Loại nan này được tạo màu bằng cách xát lá rừng lên từng sợi, màu đậm hay nhạt tùy thuộc vào việc xát lá rừng nhiều hay ít. Để gùi bền và chắc thì đế gùi phải chắc. Đế gùi thường được làm bằng các loại gỗ cây cóc rừng, hoặc dùng 4 thanh tre già, chắc siết chặt ở 4 góc để tạo điểm tựa vững chãi, không bị đổ khi được thả xuống

Theo phong tục của người Tây Nguyên, gùi không những là vật dụng để sử dụng sinh hoạt hàng ngày, mà còn là món quà tặng của người chồng tặng cho vợ, người cha cho các cô con gái, ông tặng cháu gái của mình. Đã là con gái Tây Nguyên thì phải biết gùi nước, lương thực và gùi trên lưng tất cả ước mơ, khát vọng mà buôn làng chưa ai dám nghĩ, dám làm.

Đồng bào Tây Nguyên có nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa
Đồng bào Tây Nguyên có nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa

Thổi hồn vào tre, nứa

Không chỉ các vật dụng dùng trong sinh hoạt, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vô cùng khéo léo, khi biến hóa tre nứa thành những nhạc cụ độc đáo, vang tấu những bản hòa âm của núi rừng. Nhạc cụ tre nứa đa dạng, phong phú về số lượng, cấu trúc, đặc sắc về âm thanh, tạo nên vẻ độc đáo riêng có của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Nghệ nhân Y Mip Ayun là người chế tác hàng trăm nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa
Nghệ nhân Y Mip Ayun là người chế tác hàng trăm nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa

Nghệ nhân Y Mip Ayun (SN 1942), phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, là một trong những nghệ nhân gạo cội của đồng bào Ê Đê chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa.

Ông chia sẻ: Để chế tác những cây đàn truyền thống ưng ý, người chế tác phải biết chọn tre, nứa già mang về phơi khô. Sau đó, gọt, đẽo và thử âm nhiều lần đến khi ưng ý. Người chế tác phải tỉ mỉ trong việc cắt, gọt kỳ công, khéo léo vì nếu cắt thừa hoặc thiếu, thì âm thanh sẽ chênh, phô.

Theo nghệ nhân Y Mip, trong các loại nhạc cụ dân gian từ tre nứa của người Tây Nguyên, phải kể đến là đàn T’rưng. Đây là loại nhạc cụ gần gũi nhất, tiếng đàn T’rưng vang lên trên nương rẫy, không chỉ xua đi cái mệt mỏi lao động, mà xua đuổi thú rừng đến phá cây trồng.

Trong lễ hội, tiếng T’rưng rộn ràng như suối chảy, chim kêu vang rộn khắp buôn làng khiến mọi người say sưa. Hay như chiếc Cing Kram (chiêng tre), một loại nhạc cụ thường xuyên được sử dụng trong các dịp lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng được làm từ tre nứa.

Xuất phát từ quan niệm, số lẻ thường mang lại những điều may mắn, một bộ chiêng tre thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc, cũng có khi lên đến 19 chiếc hợp thành một dàn chiêng. Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào 2 đùi, đặt thanh tre già nằm ngang phía trên miệng ống, một đầu kê lên đùi, một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi, gõ vào giữa thanh tre cho âm thanh cộng hưởng ống tre.

Nhiều loại gùi khác nhau của đồng bào Tây Nguyên
Nhiều loại gùi khác nhau của đồng bào Tây Nguyên

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, cư dân ở vùng rừng núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng, có những sáng tạo không thể tưởng tượng được. Từ nhu cầu cuộc sống, họ đã sử dụng những vật dụng thân thuộc tạo ra nhiều dụng cụ sản xuất, sinh hoạt và tinh thần. Cho đến nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nghề chế tác nhạc cụ dân gian và đan lát truyền thống là nhiệm vụ luôn được các ngành quan tâm.

Hiện Bảo tàng Đắk Lắk đang trưng bày chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên”, qua đó muốn nhắc cho các thế hệ trẻ nhớ, quan tâm tới cội nguồn của mình, để cùng nhau góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Từ đó, góp phần tạo ra sự phong phú trong đời sống văn hóa.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.