Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hợp tác xã mây tre đan nâng cao thu nhập cho phụ nữ DTTS

Tiêu Dao - 15:29, 29/10/2023

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh được thành lập, đã tạo sinh kế cho nhiều phụ nữ đồng bào DTTS cải thiện thu nhập, đồng thời gìn giữ nghề truyền thống của địa phương.

Thành viên HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh giới thiệu sản phẩm của HTX tại một hội chợ
Thành viên HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh giới thiệu sản phẩm của HTX tại một hội chợ

Xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có trên 90% diện tích là rừng núi, nguyên liệu về mây, tre, nứa rất dồi dào. Bốn mùa ở vùng cao Nam Trà My tiết trời dịu mát, thuận lợi cho đồng bào Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) lưng mang gùi, tay cầm rựa trên đôi chân nhỏ nhắn thoăn thoắt, băng rừng vượt suối vào rừng để khai thác nguyên liệu tre, mây, nứa mang về làm các vật dụng phục vụ cuộc sống, lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa truyền thống...

Từ bao đời nay, nguồn nguyên liệu mây rừng, tre, nứa đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân ở các thôn làng vùng cao Trà Vinh. Bà con Ca Dong sử dụng mây, tre, nứa để đan lép, đan teo, đan nỉa, đan giỏ, túi, rổ đựng rau, nong phơi lúa... hình thành nghề truyền thống của làng.

Nhằm tạo tiền đề và phát triển sản phẩm đặc trưng (OCOP) của địa phương, đồng thời tiếp cận với cách quản lý mới, xã Trà Vinh mạnh dạn thành lập HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Trà Vinh (HTX Ngọc Trà Vinh), chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ bằng mây tre thân thiện với môi trường. HTX có  45 hộ thành viên, liên kết sản xuất. Từ khi HTX đi vào hoạt động đến nay, dù lợi nhuận trên vốn góp chưa nhiều, nhưng HTX đã mang lại lợi nhuận tăng thêm và chất lượng cho thành viên sử dụng dịch vụ, đồng thời HTX còn tạo được sự ổn định giá cả thị trường tại địa phương.

HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh đã tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ DTTS trên địa bàn.
HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh đã tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ DTTS trên địa bàn.

Hiện nay, ngoài các sản phẩm mây tre đan truyền thống, HTX Ngọc Trà Vinh đã sản xuất ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bàn ghế tre, các sản phẩm trang trí nhà hàng, khách sạn, giỏ đựng quà, khung ảnh, khung giấy khen,... Các thành viên HTX đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao..

HTX Ngọc Trà Vinh cũng được chính quyền các cấp tỉnh tạo điều kiện tham gia nhiều hội chợ thương mại, các buổi triển lãm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều đơn hàng được ký bắt đầu từ các hội chợ. Dần dần, sản phẩm của làng nghề được nhiều người biết đến. Qua nhiều lần tham gia gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại TP. Hội An và TP. Hà Nội, những sản phẩm HTX hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Trà Vinh được bạn bè, du khách trong và ngoài nước thích thú, đón nhận. 

Hiện nay, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của HTX Ngọc Trà Vinh đã được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Từ đó tạo thêm cơ hội về việc làm, thu nhập cho các thành viên HTX với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia sản xuất, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Du khách quốc tế thích thú khi tham quan giain hàng giới thiệu sản phẩm của HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh và chụp hình lưu niệm cùng thành viên HTX
Du khách quốc tế thích thú khi tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh và chụp hình lưu niệm cùng thành viên HTX

Thời gian qua, khi sản phẩm hoàn chỉnh đạt theo tiêu chuẩn OCOP, HTX đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng kênh phân phối, hệ thống bán hàng trên các trang thương mại điện tử như tiki, lazada, sendo, Postmart.. Tham gia các sàn thương mại điện tử, hệ thống bán hàng qua mạng đã giúp các thành viên của HTX trang bị thêm các kỹ năng bán hàng, tăng doanh số hàng hóa của HTX thêm 30%. Đây được xem là bước “lột xác” ngoạn mục.

Nằm trong Chương trình phát triển kinh tế, xã hội xã Trà Vinh năm 2023, mới đây (tháng 9/2023), HTX mây tre đan Ngọc Trà Vinh và HTX dịch vụ mây tre đan Bao La (tỉnh Thừa Thiên Huế) ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, nứa. Dịp này, HTX Ngọc Trà Vinh đã cử 15 học viên là đồng bào DTTS trực tiếp đến học tập kinh nghiệm tại HTX Bao La. Từ đó để trở về cải tiến mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm từ mây tre đan thân thiện với môi trường của HTX Ngọc Trà Vinh.
Nhiều sản phẩm từ mây tre đan thân thiện với môi trường của HTX Ngọc Trà Vinh.

Bà Hồ Thị Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Vinh cho biết, HTX luôn đề cao uy tín và tạo niềm tin đối với thành viên HTX, lấy “lợi ích” thành viên làm mục tiêu hoạt động, lấy lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, HTX xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy lãnh đạo của HTX hoạt động hiệu quả, đúng theo quy định của Luật HTX, có phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng. Mạnh dạn thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo HTX, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và quản lý HTX. Tăng cường khả năng tiếp cận chính sách phát triển HTX của Nhà nước.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Các HTX ngày càng đổi mới mô hình tổ chức, từng bước khẳng định vị trí vai trò của kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, liên kết chuỗi. Hoạt động của các HTX mang lại nhiều lợi ích cho người dân, vừa cải thiện đời sống, góp phần thay đổi nhận thức về hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, chuỗi liên kết và nhu cầu của thị trường.