Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh của ông chủ người Mường

Kim Anh - 19:43, 27/02/2022

Tận dụng tiềm năng phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp sẵn có của địa phương, cùng với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chàng trai dân tộc Mường Bùi Thanh Sơn (sinh năm 1985), Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi (Hòa Bình), đã sản xuất thành công sản phẩm dưa chuột Nhật, đồng thời tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi Bùi Thanh Sơn - người mở lối giúp bà con thoát nghèo
Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi Bùi Thanh Sơn - người mở lối giúp bà con thoát nghèo

Vươn lên sau nhiều lần thất bại

Trên diện tích đất rộng hơn 10ha tại xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đang có hơn chục hộ dân chăm sóc cho cây dưa chuột Nhật vụ Đông năm nay. Anh Bùi Thanh Sơn đến từng giàn dưa chuột kiểm tra kỹ thuật, tỷ mẩn hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc giống dưa sắp tới độ thu hoạch cho mọi người… Giống dưa Nhật này đã mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa cho bà con nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi trên cánh đồng làng, anh Sơn kể, Kim Bôi là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, có địa bàn rộng, dân cư đông, chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm 83%) dân số. Trước đây, do chưa có sản phẩm hàng hóa, sản xuất còn mang tính tự cấp, tự túc, nên đời sống của Nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Với ước mong thoát nghèo, nhiều năm liền anh đã suy nghĩ, tìm tòi cách để làm giàu từ chính cánh đồng quê hương.

Anh kể, lần khởi nghiệp đầu, anh đầu tư 40 triệu đồng, bằng nguồn vốn của gia đình và vay mượn bạn bè. Thế nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt, đồng ruộng khô hạn, thiếu nước tưới đúng lúc dưa đang phát triển, nên héo hết dây và vụ đó bị thua lỗ.

Vụ sau, anh tiếp tục đầu tư 20 triệu đồng trồng bí và nuôi gà, nhưng lại thất bại. Sau nhiều lần không thành công, anh Sơn tạm nghỉ để nghiên cứu kỹ thuật qua báo, đài và mạng internet. Đến năm 2015, anh Sơn bắt đầu lại bằng việc trồng dưa chuột Nhật trên diện tích 7.000 m2.

“Làm nông nghiệp cần phải am hiểu về thiên văn, thời tiết nắng mưa như thế nào để có cách chăm sóc phù hợp với cây trồng. Ngoài ra, cần phải có kỹ thuật trồng cây đúng cách, đúng tiêu chuẩn, thì mới đem lại hiệu quả năng suất cao”, anh Sơn chia sẻ.

Từ bài học thất bại trước đó, để rút kinh nghiệm và nắm được kỹ thuật canh tác, vụ dưa thành công, anh thu được 15 tấn quả, bán qua đầu mối liên kết với Công ty Paciffic thu trên 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng.

Tiếp đó, tháng 11/2017, anh Sơn quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi, với 7 thành viên. “Xanh có nghĩa là xanh sạch, bảo đảm môi trường, sức khỏe cho con người. Bởi vậy, khi thành lập HTX, Sơn hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững”, anh Sơn giải thích.

Anh Bùi Thanh Sơn (bên trái) kiểm tra phân loại sản phẩm dưa chuột Nhật trước khi giao hàng cho Công ty
Anh Bùi Thanh Sơn (bên trái) kiểm tra phân loại sản phẩm dưa chuột Nhật trước khi giao hàng cho Công ty

Tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Đến nay, sau hơn 5 năm thành lập, HTX có 20 thành viên, liên kết với các tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trong đó, Tuyên Quang là địa bàn có diện tích trồng dưa chuột Nhật lớn nhất hiện nay, với hơn 20ha.

Anh Sơn cho biết, thời vụ của dưa chuột là 3 tháng, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, nên HTX chỉ làm 2 vụ dưa/năm, còn lại trồng các cây khác theo thời vụ như vụ Xuân trồng bí xanh, vụ Đông trồng cà chua, khoai tây, cà rốt, các loại rau màu.

“Riêng với xã Đú Sáng, hiện nay do điều kiện thổ nhưỡng của vùng trước đây bà con làm chuyên canh lâu, đất không cải tạo, không phù hợp với cây dưa chuột, nên chủ yếu trồng một số loại cây lấy hạt như bí xanh, 30% mướp đắng, dưa chuột lai ta và các loại rau củ khác”, anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, trung bình một năm doanh thu của HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi đạt khoảng 3 tỷ đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng. Chàng trai người Mường trở thành tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm; truyền cảm hứng trong lĩnh vực nông nghiệp cho nhiều bạn trẻ ở địa phương để khởi nghiệp.

Với mong muốn giải quyết những bất ổn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, như được giá thì mất mùa, được mùa mất giá, đầu ra không ổn định và tận dụng nguồn đất, lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, HTX đã liên kết với Công ty Paciffic Hòa Bình theo quy trình khép kín.

Trong quá trình thực hiện mô hình, Công ty cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật cho bà con và bao tiêu sản phẩm. Trước đây, bà con chủ yếu bán qua các đầu mối liên kết với Công ty, rất mất thời gian khi thu hái, tập kết và chờ xe đến thu mua… Từ khi HTX đi vào hoạt động, bà con yên tâm về việc tiêu thụ. Trung bình 1 tháng, thu nhập của bà con mang lại khoảng 5 - 6 triệu đồng.

“Trên cơ sở so sánh, bà con thấy được trên 1 sào lúa kinh tế đem lại được bao nhiêu, nếu bà con trồng dưa, trừ hết đầu tư công lao động thì bà con được lời bao nhiêu. Từ đó, bà con nhận thấy được việc sản xuất dưa không những bảo đảm sản xuất đầu ra mà còn có lãi”, anh Sơn nói.

Anh Sơn cho biết, trong năm 2022, anh sẽ mở rộng phát triển mô hình liên kết cho thị trường Tuyên Quang và Phú Thọ. Đây là những thị trường tiềm năng về đất và khí hậu, đặc biệt với cây dưa chuột Nhật nhằm giúp ổn định đời sống kinh tế của đồng bào DTTS nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.