Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Hot tiktoker" ở vùng cao - Những sứ giả kết nối

Kim Anh - 20:24, 05/07/2022

Thời gian gần đây, số lượng Tiktoker (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Tiktok) xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok trở thành một mảnh đất màu mỡ, tiềm năng để các bạn trẻ khai thác, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, để trở thành những "Hot Tiktoker" thì những sản phẩm sáng tạo trên kênh Tiktok phải thực sự phong phú và độc lạ.

Chảo Thị Yến (bên trái) và Hoài Thương (bên phải) là 2 trong số những tikoker quảng bá về văn hóa, ẩm thực địa phương
Chảo Thị Yến (bên trái) và Hoài Thương (bên phải) là 2 trong số những tikoker quảng bá về văn hóa, ẩm thực địa phương

Ghi lại đời sống vùng cao

Bắt đầu thành lập kênh Tiktok từ tháng 7/2021 với nội dung chia sẻ về cuộc sống, bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Tuyển tại Bát Xát, Lào Cai, Chảo Thị Yến không khỏi ngạc nhiên khi những Video mình chia sẻ lại được yêu mến như vậy. Đến nay, sau 1 năm thành lập, kênh đã có gần 162.400 người theo dõi và hơn 3,2 triệu lượt yêu thích.

Chảo Yến chia sẻ, trước khi trở về Lào Cai sinh sống và làm việc, chị từng có khoảng thời gian học tập tại nước ngoài. Sau đó chị trở về và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về tài nguyên rừng.

“Khi trở về quê, tôi thấy nhiều bạn trẻ không muốn đi học và thường xuyên lướt Tiktok rất nhiều. Nhận thấy Tiktok là nền tảng mà giới trẻ dễ tiếp cận hiện nay, tôi quyết định lập một kênh Tiktok riêng để chia sẻ câu chuyện về quá trình du học của mình, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đồng thời giới thiệu văn hóa miền núi đến nhiều người hơn và khơi niềm tự hào về dân tộc mình”, chị Yến chia sẻ.

Kênh tiktok của Chảo Yến chủ yếu khai thác về văn hóa và giáo dục, định hướng cho trẻ em vùng cao
Kênh Tiktok của Chảo Yến chủ yếu khai thác về văn hóa và giáo dục, định hướng cho trẻ em vùng cao

Mỗi Video, Chảo Yến lại có cách khai thác riêng về trang phục, văn hóa đến lối sống của đồng bào mình. Những Video như “Trải nghiệm văn hóa trong đám cưới của người Dao”, chuyện chú xe ôm và mẹ tôi, chữ viết của người Dao, câu chuyện ngày Tết của người Dao Tuyển… vừa dí dỏm hài hước, vừa giúp người xem hiểu thêm hơn về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc.

Bên cạnh kênh Tiktok, Chảo Thị Yến còn nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook với hơn 3.200 người theo dõi.

Cũng giống như Chảo Yến, cô gái người Tày Nguyễn Hoài Thương với nick name “Thảo Nguyên Farmer” đã sáng tạo những Video trên nền tảng Tiktok của riêng mình. Với hơn 300.000 lượt theo dõi và 3,7 triệu lượt thích, các video của của cô mang tiết tấu nhẹ nhàng, tạo cảm giác yên bình với hình ảnh nấu cơm lam chiều, đi phát cỏ, ăn tết Đoan Ngọ…

“Hầu như các Video tôi đều kể lại cuộc sống đời thường của chính quê hương mình. Nhiều người vẫn nghĩ Hà Giang là một nơi xa xôi và khó khăn. Do đó, thông qua nội dung chia sẻ trên kênh, tôi muốn người xem có thể hiểu hơn về nơi mình sinh sống và văn hóa của dân tộc Tày”, Thương chia sẻ.

Theo Hoài Thương, mỗi địa phương đều có nét đặc sắc riêng, chỉ cần các bạn đừng làm sai khác đi thực tế thì mọi người luôn ủng hộ. Chính vì vậy, ở mỗi Video mà Hoài Thương ghi hình, mọi chất liệu và hình ảnh đều được lấy cảm hứng ngẫu nhiên khi đi ruộng, lên nương. Từ đó tạo nên những thước phim mộc mạc và chân thực nhất đến bạn đọc.

Tất cả mọi công đoạn từ việc đặt góc máy, nội dung quay, cắt và dựng video đều do một mình Hoài Thương thực hiện
Tất cả mọi công đoạn từ việc đặt góc máy, nội dung quay, cắt và dựng video đều do một mình Hoài Thương thực hiện

Tránh việc lạm dụng hoặc chỉ khai thác những điều lạ lẫm, điều kì thị

Hiện nay, Tiktok trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất và đặc biệt có sức hút với thế hệ trẻ. Tiktok đã có 800 triệu người dùng thường xuyên, 2 tỷ lượt tải và là ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu.

Có thể thấy, những Tiktoker trẻ như Chảo Yến hay Hoài Thương chỉ là 2 trong số những nhà sáng tạo nội dung chọn quê hương làm đề tài khai thác nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của đồng bào mình.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, những bạn trẻ yêu mến văn hóa dân tộc mình và muốn lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp đó đến mọi người xung quanh thông qua mạng xã hội, đó là một điều đáng biểu dương và hoan nghênh.

Khi mỗi cá nhân làm những Video giới thiệu về quê hương phải trung thực, khách quan và phải hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần bảo tồn và làm giàu văn hóa các dân tộc của nước ta. Tránh việc lạm dụng, hoặc chỉ khai thác những điều lạ lẫm, nhạy cảm, tạo sự hiểu lầm, kì thị về văn hóa dân tộc.

“Với những thông tin, hình ảnh về văn hóa, đời sống vùng cao được đăng tải trên mạng xã hội chỉ với mục đích câu Like, thiếu trung thực khách quan thì chúng ta cần nhìn nhận và phê phán. Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, với sự đa dạng phong phú về văn hóa, vì vậy khi bạn đọc tiếp nhận thông tin cần phải có sự kiểm chứng, có cái nhìn khách quan và chân thực”, Tiến sĩ Lâm Bá Nam phân tích. 

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.