Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

HTX sản xuất kiểu mới ở Quảng Ngãi: Đổi mới để phát triển

Minh Thu - 15:10, 14/11/2022

Những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từng bước phát triển, đã và đang phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống các thành viên và Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tham quan các sản phẩm nông nghiệp của các HTX tại Hội chợ triển lãm sản phẩm núi Ấn - sông Trà (Ảnh: TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tham quan các sản phẩm nông nghiệp của các HTX tại Hội chợ triển lãm sản phẩm núi Ấn - sông Trà (Ảnh: TTXVN)

Lợi ích nhân đôi từ HTX kiểu mới

Được thành lập năm 2018, với 15 thành viên ban đầu, đi vào hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, với sức trẻ, nhanh nhạy, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm đến nay, HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi có 21 thành viên. Các thành viên đều có cùng đam mê, nhiệt huyết trong chăn nuôi thỏ và trồng măng tây, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn..

Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường cho biết: Khi gia nhập HTX, các thành viên được cung ứng giống thỏ bách thảo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi thỏ. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, đến nay, HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi có 21 trại thỏ, với hơn 700 con thỏ nái. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi thành viên HTX có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Hàng tuần, HTX xuất chuồng khoảng 100 con thỏ thịt với hai dòng sản phẩm là thỏ bách thảo và thỏ được nuôi bằng cây măng tây.

Một trong những điển hình cho sự phát triển HTX sản xuất kiểu mới của HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, là trồng măng tây kết hợp nuôi thỏ theo quy trình khép kín. Từ đó sản xuất và cung cấp ra thị trường thịt thỏ và măng tây thương phẩm. Măng tây được HTX trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ, khi thu hoạch phần ngọn để bán, phần gốc còn lại được tận dụng cho thỏ ăn. Ngược lại, phân thỏ sau khi xử lý vi sinh dùng để bón cho măng tây. Măng tây được bón bằng phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giúp măng đặc ruột, chắc, ngọt và thơm ngon hơn.

“Hiện nay, HTX hoạt động ổn định, vì đã đảm bảo được đầu ra cho thỏ thương phẩm cũng như măng tây, bởi sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng. HTX cũng thường xuyên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay cho các xã viên có nhu cầu mở rộng sản xuất”, ông Phạm Hùng Cường chia sẻ.

Tại huyện Sơn Tịnh, từ khi chuyển đổi thực hiện theo Luật HTX năm 2012, nhiều mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (HTX Tịnh Thọ) Nguyễn Minh Trang: Trước khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, xã Tịnh Thọ có 5 HTX, nhưng chỉ HTX Thọ Trung hoạt động tốt, còn lại các HTX khác hoạt động ít hiệu quả. Năm 2016, 5 HTX đã hợp nhất thành 1 HTX với tên gọi HTX Tịnh Thọ. Từ đó, HTX đã tập trung vào các điểm mạnh để khai thác tối đa sức sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các thành viên.

Song song với việc thực hiện tốt các dịch vụ truyền thống như: Thủy lợi, tín dụng nội bộ, lâm nghiệp..., HTX còn triển khai thêm dịch vụ mới như: Liên kết với thành viên HTX sản xuất thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp. Với những giải pháp tối ưu, doanh thu của HTX Tịnh Thọ tăng đều hàng năm. Thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Thành viên HTX Tịnh Thọ, ông Tạ Hường chia sẻ: “Sau hợp nhất, chuyển đổi, HTX phát triển rất mạnh, các dịch vụ đều đáp ứng nhu cầu của người dân, từ việc mua phân trả chậm, sản xuất các loại cây trồng được bao tiêu đầu ra như: Keo, lúa, mì, bắp, đậu phụng, khoai lang. Từ đó, kích thích tinh thần đổi mới tư duy của người dân rất lớn”.

Mô hình trồng nấm ở Hợp tác xã nấm Đức Nhuận tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Mô hình trồng nấm ở Hợp tác xã nấm Đức Nhuận tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Tạo điều kiện cho HTX ngày càng phát triển

Cùng với các HTX kiểu mới như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi,  HTX Nông nghiệp Bình Hải (HTX Bình Hải), huyện Bình Sơn vừa đồng thời cung ứng các dịch vụ truyền thống vừa tập trung đầu tư phát triển cây hành tím. Đến nay, đã có 136 hộ dân tham gia trồng hành tím, với diện tích 180ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn/năm.

Ông Đỗ Biên Nhất, Giám đốc HTX Bình Hải chia sẻ: Hành tím Bình Hải đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được chọn để phân hạng gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, đầu ra và giá bán hành tím luôn ổn định ở mức cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân và các thành viên HTX.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 227 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 99% HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Số HTX được xếp loại khá, tốt chiếm trên 42%. Năm 2020, doanh thu bình quân của HTX đạt gần 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của HTX nông nghiệp khoảng 65 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên tăng gấp 4 lần, từ 11 triệu đồng/năm (năm 2013) lên hơn 40 triệu đồng/năm (năm 2021).

Nổi bật là nhiều HTX do các trí thức trẻ thành lập có hiệu quả, tạo sức lan tỏa ở vùng nông thôn. Hoạt động của các HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng DTTS. Qua đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Để hoàn thành xây dựng NTM, thì phải có HTX tổ chức sản xuất hoạt động hiệu quả, bền vững.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Năm 2022, Quảng Ngãi tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững.

Còn theo ôngTrần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi : Việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX không những nâng cao vai trò, hiệu quả của HTX, mà còn là đòn bẩy trong xây dựng NTM. Trong thời gian tới, các HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX, gắn với chuỗi giá trị tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

" HTX là “bà đỡ” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, là chỗ dựa cho nông dân, góp phần xây dựng NTM. Do đó, các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX hoạt động và ngày càng phát triển”, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao hơn so với trước đây, nên các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020 khó đảm bảo khi xét theo các tiêu chí, chỉ tiêu mới. Hiện các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng NTM theo hướng bền vững.