Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn bản chính sách mới

Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS, người có công với cách mạng

T.Hợp - 08:59, 06/07/2022

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BXD về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thông tư, việc hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình.

Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Tiêu chí được hỗ trợ nhà ở

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong 3 kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất 2 kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8 m2.

Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.

Thứ tự ưu tiên hỗ trợ nhà ở

Thông tư nêu rõ, ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau: Hộ nghèo DTTS; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự: Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước). Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ định mức hỗ trợ, nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo "3 cứng" (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.

Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. UBND các tỉnh (hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng) quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể (nếu có), báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm mới của Luật Căn cước áp dụng từ ngày 1/7/2024 bạn nên biết

Những điểm mới của Luật Căn cước áp dụng từ ngày 1/7/2024 bạn nên biết

Ngày 1/4, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, Luật Căn cước chính thức có hiệu thi hành kể từ ngày 1/7/202 thay thế Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014. Luật chính thức đổi tên gọi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.