Xã Thượng Trạch có diện tích đất tự nhiên chủ yếu là rừng núi, dân số 2.534 người, đa số là người Ma coong (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều). Theo ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, Thượng Trạch hiện vẫn còn nhiều khó khăn, cái khó lớn nhất cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương là hệ thống hạ tầng giao thông. Đường giao thông trên địa bàn mùa khô mới đi lại được, còn về mùa mưa thì giao thông bị đình trệ, thậm chí nhiều bản bị cô lập cục bộ do nước suối dâng cao…
Bên cạnh đó, nhiều tiềm năng, lợi thế của Thượng Trạch chưa được khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế; sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên; đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chú tâm vào phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn quá cao so với mặt bằng chung toàn huyện với trên 94%. Trong đó, tỷ lệ hộ thiếu đói còn chiếm trên 54%; hộ đồng bào chưa có nhà ở, hoặc ở nhà tạm bợ còn 113 hộ. Thu nhập của người dân không ổn định, bấp bênh. Hiện, nguồn thu của các hộ chủ yếu từ trồng lúa rẫy, chăn nuôi, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, khai thác các sản phẩm từ rừng.
Anh Đinh Thun, bản Khe Rung cho biết: Mặc dù gia đình anh đã nỗ lực lao động, tuy nhiên do thiếu kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, cùng với đó, khí hậu khắc nghiệt nên năng suất cây trồng và vật nuôi không đạt kết quả. Muốn đầu tư phát triển chăn nuôi nhưng vốn không có nên đành chấp nhận sống trong cảnh nghèo đói. Theo anh Thun, mong muốn của gia đình là có vốn đầu tư, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để gia đình tập trung vào chăn nuôi nhằm sớm thoát được cảnh nghèo đói.
Để đưa Thượng Trạch vượt qua khó khăn vẫn là một bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương và các cấp, ngành. Mặc dù huyện Bố Trạch cũng đã ưu tiên cho địa phương nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên “cái khó bó cái khôn” bởi xuất phát điểm và trình độ dân trí nơi đây còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, để triển khai bất kỳ một chương trình, giải pháp nào, địa phương cũng phải tính toán kỹ lưỡng…
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: Huyện cũng đã xác định để đưa Thượng Trạch thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu là nhiệm vụ rất cấp bách và khó khăn. Do đó, huyện đã kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đồng thời tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh là tiền đề để Thượng Trạch định hướng sự phát triển.
Với giải pháp trọng tâm lấy trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ rừng là những khâu đột phá trong phát triển kinh tế; huy động toàn bộ hệ thống chính trị xã hội vào cuộc hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ của xã xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm về trồng trọt có giá trị kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào về hình thức thâm canh mới. Cụ thể như mô hình trồng nghệ, trồng tiêu; mô hình thâm canh lúa XI 23, mô hình trồng mít Thái Lan đang được thí điểm và nhân rộng.
Đối với mô hình thâm canh lúa XI 23 trên 2ha, huyện hỗ trợ 27 triệu đồng; mô hình ngô nếp 37ha, hỗ trợ kinh phí trên 150 triệu đồng; mô hình trồng mít Thái Lan với trên 20 triệu đồng. Nguồn vốn xây dựng các mô hình được trích từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Để người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, đầu năm 2018, UBND huyện hỗ trợ 40 triệu đồng cho xã Thượng Trạch mua máy bơm; hỗ trợ phân bón phục vụ sản xuất trên 10 triệu đồng...; Ngoài ra, vận động, khuyến khích và hỗ trợ cho đồng bào phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, gà… để góp phần nâng cao đời sống. Hy vọng với những giải pháp đang triển khai, sẽ giúp đồng bào Ma coong từng bước thoát được đói nghèo.
MINH THỨ