Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hương ước với sự phát triển vùng DTTS Quảng Bình

Khánh Ngân - 00:16, 12/08/2024

Ngoài dân tộc Kinh, Quảng Bình còn có 2 DTTS là Chứt và Bru Vân Kiều sinh sống. Những năm gần đây, phong trào xây dựng hương ước ở các bản làng vùng DTTS ở Quảng Bình ngày càng phát triển và lan tỏa, tác động tích cực đến đời sống đồng bào. Từ các hương ước, nhiều hủ tục ở vùng DTTS được bài trừ, người dân cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới.

Đồng bào Chứt ở Mò O Ồ Ồ đã trồng được lúa nước để chủ động về lương thực
Đồng bào Chứt ở Mò O Ồ Ồ đã trồng được lúa nước để chủ động về lương thực

Lập hương ước đẩy lùi hủ tục

Là bản gần đường biên giới Việt - Lào, Mò O Ô Ồ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, có 75 hộ đồng bào Chứt sinh sống. Do địa hình biệt lập, khó giao thương, giao lưu nên đồng bào ở Mò O Ồ Ồ gắn liền với nền sản xuất "tự cung, tự cấp" qua nhiều thế hệ. Hệ lụy kéo theo là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thất học; đói nghèo và cả chuyện say xỉn rượu quên cả nương rẫy…; Ấy là câu chuyện của những thập niên trước ở Mò O Ồ Ồ.

Giờ đây, Mò O Ồ Ồ đã khác xưa. Chuyện bắt đầu từ bản hương ước được Chi bộ bản chủ trì sơ thảo và Nhân dân đồng tình thông qua 2 năm trước (từ năm 2022 - PV). Hương ước gồm 3 nội dung chính: Một là cấm rượu bia; Hai là cấm tảo hôn và ba là chăm lo việc học của con em. Mỗi ý cấm đều gắn với các chế tài, hình phạt cụ thể. Ví dụ: “Say sỉn lần 1 nhắc nhở tuyên truyền để rút kinh nghiệm, lần sau tái phạm phạt tiền đưa vào quỹ bản… Đối với tảo hôn, cán bộ bản không được bao che mà báo ngay cho cán bộ tư pháp xã để xử lý theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. 

Ngoài ra, gia đình có con em tảo hôn sẽ không được bản đưa vào bình bầu danh hiệu hộ gia đình văn hóa. Còn đối với việc học, hương ước quy định cấm các gia đình vận động hoặc ép buộc con cái bỏ học. Ngược lại, tuyên dương những gia đình có con em đi học đúng tuổi, đỗ đạt cao…

Bí thư Chi Bộ bàn Mò O Ồ Ồ - ông Cao Xuân Long chia sẻ: “Từ ngày bản có hương ước và được tuyên truyền mạnh mẽ, chuyện say rượu, bia ở bản đã giảm hẳn. Cùng với đó, từ năm 2022 đến nay, ở bản Mò O Ồ Ồ không còn trường hợp nào tảo hôn. Chuyện hôn nhân cận huyết thống cũng được xóa triệt để".

Trong khu rừng nguyên sinh ở bản Ông Tú (xã Trọng Hóa) quản lý có rất nhiều cây gỗ lớn
Trong khu rừng nguyên sinh ở bản Ông Tú (xã Trọng Hóa) quản lý có rất nhiều cây gỗ lớn

Hương ước về bảo vệ rừng cũng đã giúp bản Ông Tú, xã Trọng Hóa đạt danh hiệu bản tiêu biểu trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng ở tỉnh Quảng Bình. Chuyện bắt đầu từ năm 1994, Già làng, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ và đồng bào ở bản Ông Tú ngồi lại với nhau xây dựng hương ước giữ rừng.

Nội dung hương ước quy định, khi vào rừng đốt ong xong phải dập tắt lửa hoàn toàn, lấy củi không được chặt cây sống, tận thu cành ngọn mà phải lấy củi khô, người dân không được đốt rừng làm nương rẫy, không đốt rẫy, xử lý thực bì gần rừng. Bản còn mời cán bộ xã, cán bộ Kiểm lâm lên tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây và phòng cháy chữa cháy rừng.

Anh Hồ Thay ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa cho biết: Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được kế thừa từ trước, trong hương ước giữ rừng của bản . Người dân bản Ông Tú nhận thức rõ vai trò, vị trí của rừng rất quan trọng trong đời sống của người dân, bảo vệ rừng chính là bảo vệ đời sống của người dân. Vì vậy, người dân không tự ý chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, không phá rừng; nhờ vậy mà hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh được dân bản bảo vệ, phát triển tốt, chưa xảy ra vụ cháy nào ở khu vực rừng được dân bản Ông Tú bảo vệ.

Đến nay, 7/7 thôn, bản ở xã vùng cao Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã quy hoạch chuồn trại chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư
Đến nay, 7/7 thôn, bản ở xã vùng cao Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã quy hoạch chuồng trại chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư

Xây dựng đời sống văn hóa mới

Lần đầu lên xã vùng cao Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tôi thật sự tò mò khi nhìn thấy cảnh ở giữa bãi đất gần cánh đồng có nhiều ngôi nhà nhỏ, thấp nằm san sát nhau. Tìm hiểu ra mới hay, đó là khu chuồng trại chăn nuôi trâu bò tập trung của bà con. Cứ mỗi xóm, thôn bản lại được quy hoạch một địa điểm để các hộ gia đình xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư nhằm đảm bảo môi trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Năm 2007, Đảng bộ xã Tân Hóa đã ra nghị quyết quy hoạch chuồng trại chăn nuôi trâu bò tập trung gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và bảo vệ môi trường. Từ đó đến nay, khu vực chuồng trại chăn nuôi của bà con được di dời ra khoảng đất được quy hoạch biệt lập nơi ở. Nhờ đó, môi trường thôn bản được sạch sẽ”.

Trước khi ra nghị quyết, Đảng bộ xã Tân Hóa đã chỉ đạo UBND, HĐND, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn vào cuộc để cùng nhau vận động người dân di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra khỏi dân cư. Thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Đảng bộ xã đã phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cho từng đảng viên vận động Nhân dân và chính đảng viên phải là người làm gương, di dời chuồng trại trước. Đến nay, đã có 100% hộ chăn nuôi trâu, bò trong xã di dời chuồng trại về nơi tập trung. Hiện, 7 thôn trong xã đều có khu chuồng trại nuôi gia súc tập trung. Riêng thôn Yên Thọ và thôn Cổ Liêm có 2 điểm tập kết chăn nuôi.

Trở lại câu chuyện ở xã biên giới Trọng Hóa, nơi có trên 90% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, Đảng ủy xã đã phát động phong trào “xây dựng bản xanh, sạch, đẹp”. Để phong trào thực sự hiệu quả, làm thay đổi nếp sống của đồng bào, thứ 7 và chủ nhật hằng tuần Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi lại xuống tận bản để cùng quét đường, dọn rác cùng bà con. Chị Thoi còn vào tận hộ gia đình để hướng dẫn đồng bào vệ sinh khuôn viên nơi ở, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Cùng với Bí thư Đảng ủy, các đoàn thể của xã như:  Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… phân công nhau về bản, khóm bản để cùng bà con vệ sinh, cải tạo cảnh quan thôn, bản.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết: "Thành thông lệ, thứ 7 hằng tuần chúng tôi đều tổ chức ra quân làm sạch nhà, sạch đường và sạch bản. Bên cạnh đó, các bản đều trồng cây xanh tạo cảnh quan trên các tuyến đường nội bản. Nhờ đó, bản làng ở xã Trọng Hóa ngày một xanh, sạch và đẹp”.

Đồng bào Chứt ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa dọn vệ sinh để ""nhà sạch, đường sạch, bản sạch".
Đồng bào Chứt ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa dọn vệ sinh để "nhà sạch, đường sạch, bản sạch".

Cùng với sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng từ nguồn lực đầu tư của các Chương trình MTQG, nhận thức và lối sống của đồng bào vùng DTTS ở Quảng Bình cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Đáng chú ý, nhiều bản làng vùng DTTS đã xây dựng quy ước, hương ước với các luật tục nghiêm ngặt trong điều chỉnh hành vi, lối sống thường nhật. Quy ước, hương ước đã tác động tích cực trong việc bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.