Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Huy động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” ở khu vực miền núi: Cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp

PV - 15:26, 21/12/2018

Để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, thời gian qua, phong trào “Chung tay vì người nghèo-không ai bị bỏ lại phía sau” đã được triển khai ở khắp cả nước. Tuy nhiên, với các địa phương miền núi, việc huy động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” không hề dễ dàng.

Khó ở miền núi

Chương trình vận động ủng hộ người nghèo chính thức được phát động ngày 17/10/2000. Số liệu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, qua gần 18 năm phát động (từ 17/10/2000 đến hết tháng 9/2018), Chương trình đã được các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đạt gần 14 nghìn tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương là hơn 36 nghìn tỷ đồng.

Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ nhiều gia đình phát triển sản xuất, có điều kiện vươn lên. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ nhiều gia đình phát triển sản xuất, có điều kiện vươn lên.

Từ nguồn lực trên, cùng với ngân sách nhà nước đã kịp thời xây dựng, sửa chữa hơn 28 nghìn căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ hàng trăm công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...); hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chương trình vận động ủng hộ người nghèo đã đóng góp vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với ngân sách nhà nước, nguồn lực từ Chương trình vì người nghèo đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 6,7% cuối năm 2017 dự kiến chỉ còn dưới 6% vào cuối năm 2018.

Những kết quả tích cực của Chương trình vận động ủng hộ người nghèo, nhất là qua Quỹ “Vì người nghèo” trong gần 18 năm qua là hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, một vấn đề còn nhiều băn khoăn là hiện nay, việc huy động đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, vùng miền.

Ở một số địa phương đồng bằng, việc huy động đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” khá thuận lợi. Như tỉnh Bình Phước, chỉ trong hơn một năm (từ đầu năm 2017 đến 25/3/2018), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận 74,23 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”.

Trong khi đó, ở các tỉnh miền núi, việc huy động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” lại không hề dễ dàng. Như tỉnh Hòa Bình, trong 3 năm (từ đầu năm 2016 đến tháng 11/2018), Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh chỉ thu được trên 10 tỷ đồng. Hay như Hà Giang, trong cả năm 2017, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh vận động được hơn 1,5 tỷ đồng…

Cần đa dạng hóa nguồn lực

Không khó để lý giải, vì sao lại có sự chênh lệch quá lớn trong việc huy động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” giữa các địa phương, vùng miền. Ở khu vực đồng bằng, thành thị, với số lượng doanh nghiệp đông đảo, có tiềm lực về kinh tế thì việc tham gia ủng hộ người nghèo khá thuận lợi. Còn ở nông thôn, miền núi, việc tham gia phong trào này là cả một vấn đề mà các doanh nghiệp phải đong đếm.

Lấy tỉnh Hà Giang làm ví dụ. Thực hiện tháng cao điểm ngày vì người nghèo từ ngày 17/10 đến 18/11/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã phát thông điệp kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Thông điệp nêu rõ: Đối với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì ủng hộ từ 5 triệu đồng trở lên một doanh nghiệp; Hợp tác xã ủng hộ từ 2 triệu đồng trở lên một đơn vị; các nhà hàng, khách sạn ủng hộ từ một triệu đồng trở lên.

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở (Trong ảnh: Một hộ nghèo ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Quảng Ninh được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết). Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở (Trong ảnh: Một hộ nghèo ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Quảng Ninh
được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết).

Thậm chí có địa phương, “định mức” kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” còn được hạ xuống rất thấp. Như ở Hòa Bình, tháng cao điểm ngày vì người nghèo năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ tối thiểu 500 nghìn đồng/doanh nghiệp, các Hợp tác xã ủng hộ tối thiểu 200 nghìn đồng/Hợp tác xã.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn tỉnh có 2.800 doanh nghiệp, 275 Hợp tác xã. Cứ cho tất cả các doanh nghiệp, Hợp tác xã cùng tham gia ủng hộ thì số tiền góp cho Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Hòa Bình trong tháng cao điểm cũng không quá 2 tỷ đồng.

Lâu nay, một hình thức phổ biến trong việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ở các địa phương là nguồn đóng góp một ngày lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngoài ra còn có nguồn thu từ các hộ gia đình thuộc diện khá trở lên, với mức ủng hộ từ 100 nghìn đồng trở lên/hộ.

Tuy nhiên, để phát triển Quỹ “Vì người nghèo” thì “lĩnh ấn tiên phong” vẫn phải là doanh nghiệp. Mặc dù việc đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” hoàn toàn mang tính tự nguyện; tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để làm sao có sự vào cuộc, chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đơn vị có tiềm lực kinh tế lớn.

Từ nhiều năm nay, Quỹ “Vì người nghèo” chủ yếu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở; hỗ trợ hộ nghèo công cụ, tư liệu sản xuất cơ bản để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo; hỗ trợ cho người nghèo khi bị ốm đau, phải điều trị nằm viện dài ngày; thăm hỏi động viên người nghèo vào những ngày lễ, Tết của đất nước. Nhưng trong những năm tiếp theo, mục tiêu của Quỹ không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên. Do đó, việc huy động nguồn lực cho Quỹ phải cần đa dạng về hình thức, nhất là có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.