Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Huyện Buôn Đôn phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống

PV - 16:21, 22/07/2019

Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk là huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia), gắn liền với huyền thoại về voi, văn hóa triệu voi bên dòng Sêrêpôk. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng Nhân dân đã đồng lòng, quyết tâm bảo tồn, duy trì các nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Buôn Đôn Lễ tắm Phật của cộng đồng người Lào.

Huyện Buôn Đôn có 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7.822 hộ DTTS sinh sống tại 99 thôn, buôn. Hiện nay, các buôn đồng bào DTTS vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc như bến nước, chiêng, ché, các vật dụng truyền thống khác và thường xuyên tổ chức các lễ hội, lễ cúng dân gian cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, mừng lúa mới, cầu mưa...

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, định kỳ 2 năm một lần, huyện tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc và các hoạt động văn hóa truyền thống khác như: phục dựng các lễ hội truyền thống, biểu diễn văn hóa, văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, thi ẩm thực, dệt truyền thống, đan gũi…

Buôn Đôn là địa phương có đàn voi nhà đông nhất cả nước. Đến nay, các nghi lễ, tục lệ liên quan đến voi vẫn được đồng bào M’nông ở đây gìn giữ và lưu truyền như: cúng sức khỏe cho voi; cúng xóa khi voi chửa, voi đẻ; cúng cắt ngà voi; cúng thần khi gây thương tích cho voi; mai táng khi voi chết… Lễ cúng sức khỏe cho voi thường được diễn ra vào đầu năm nhằm cầu mong trong năm mới, voi luôn khỏe mạnh, giúp đỡ gia chủ. Lễ cúng với ý nghĩa chính là cầu sức khỏe cho voi, nhắc nhở mọi người chăm sóc, bảo vệ voi và chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh của mỗi dân tộc. 2 năm một lần địa phương còn tổ chức Hội đua voi Buôn Đôn.

Tại các buôn đồng bào dân tộc tại chỗ như Ê-đê, M’nông còn duy trì lễ cúng bến nước nhằm cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho chủ bến nước và cả buôn làng sau này gặp được nhiều điều tốt lành hơn.

Ngoài các nghi lễ, tập tục đặc sắc của đồng bào M’nông, Ê-đê, Buôn Đôn còn có cộng đồng người Lào sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng riêng. Trong đó, Lễ hội Bunpimay mang đậm bản sắc văn hóa Lào.

Theo truyền thống hằng năm, từ 13-16/4 dương lịch, cộng đồng người Lào ở Buôn Đôn lại tổ chức Tết truyền thống Bunpimay hay còn gọi hội mừng năm mới. Đây là ngày lễ lớn nhất của các bộ tộc Lào, góp phần làm phong phú thêm văn hóa dân gian của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Ông Ây Nô Lào ở buôn Trí A chia sẻ: Tôi là người Việt gốc Lào, lấy vợ người Ê-đê nên truyền thống văn hóa của gia đình rất phong phú. Gia đình tôi giữ gìn cả hai nền văn hóa Lào và Ê-đê. Hằng năm, gia đình tôi đều đặn tham gia các hoạt động Tết Bunpimay, các nghi lễ truyền thống của Lào cho đến những lễ hội của người Ê-đê. Đến nay, gia đình vẫn còn giữ được một bộ chiêng quý.

Không chỉ giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, đồng bào các dân tộc ở Buôn Đôn còn giữ gìn nếp nhà sàn, nghề truyền thống ủ rượu cần, dệt thổ cẩm... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tạo được sự được đồng thuận trong Nhân dân, đến nay thế hệ trẻ các dân tộc Buôn Đôn đã có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, nhiều thanh niên chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên xã Krông Na phối hợp với Trường THCS Võ Thị Sáu thành lập đội chiêng trẻ gồm 15 người, thành lập đội nhạc cụ Lào, tổ chức lớp dạy nhạc cụ, điệu múa truyền thống của người Lào.

Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian qua là minh chứng về sự quan tâm, chú trọng bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Buôn Đôn.

LÊ HƯỜNG