Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Huyện Lắk (Đắk Lắk): Đồng bào DTTS sống trong cảnh hiểm nguy rình rập từ hệ thống điện tự kéo

Lê Hường - 14:15, 24/10/2024

Hạ tầng lưới điện quốc gia chưa có, hàng chục năm qua, gần 100 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk phải tự kéo điện để sử dụng. Đường điện tự kéo vắt tạm trên những cây tre, cây gỗ qua ruộng đồng, ao hồ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt mùa mưa gió. Mới đây, cử tri huyện Lắk đã trực tiếp phản ánh về vấn đề này đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Hàng chục hộ dân buôn Phôk, xã Yang Tao sử dụng điện tự kéo nguy cơ mất an toàn
Hàng chục hộ dân buôn Phôk, xã Yang Tao sử dụng điện tự kéo nguy cơ mất an toàn

Hiểm nguy rình rập

Để có điện sử dụng, gần 20 năm qua, người dân buôn Phôk, xã Yang tao, huyện Lắk phải tự dựng cột tạm bằng gỗ, tre kéo đường dây điện dài 600-700m từ trụ điện hạ áp gần nhất để có điện sinh hoạt. Đường dây điện bám trên những trụ gỗ, tre, kéo ngang qua ao nước, ruộng lúa, có những đoạn dây điện sà xuống thấp, gây nguy hiểm cho người dân.

Gần 20 năm giãn dân ra phía ngoài buôn sinh sống, là chừng ấy năm gia đình ông Y Đa Viết Bkrông (SN 1975) ở buôn Phôk, xã Yang Tao sử dụng điện tự kéo. Ông Đa Viết kể: Năm 2005, ông đưa gia đình ra khu vực bìa ngoài buôn sinh sống. Khu vực này chưa có điện hạ thế, gia đình ông vay mượn 5 triệu đồng đầu tư đường dây, trụ tre, gỗ kéo điện về sử dụng. 

Nơi ở chật chội, nhiều hộ gia đình trong buôn giãn dần khu này, hình thành cụm dân cư lẻ. Các hộ dân tự đấu nối điện với nhau, đường tải yếu mà nhiều hộ sử dụng, điện không ổn định, các thiết bị điện như máy bơm nước, nồi cơm điện, bình siêu tốc… hư hỏng liên tục.

Đưa tay hướng về đường điện mắc tạm trên những trụ gỗ, tre, dây vắt vẻo qua đồng ruộng, ông Y Đa Viết chia sẻ: Các trụ gỗ, tre nhanh mục lắm, năm nào bà con cũng thay trụ, nhưng đã vài lần xảy ra sự cố gãy, đổ trụ, đứt dây. Đường điện tạm bợ khi xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa, nhưng khi hư hỏng người dân chỉ khắc phục, sửa chữa tạm thời để có điện sử dụng. Hồi đầu mùa mưa vừa rồi, nửa đêm trụ điện đổ ngay đầu bờ ruộng, sáng ra người dân phải cúp điện tự sửa. Sử dụng nhiều năm dây điện võng thấp, mấy năm trước xảy ra tai nạn làm chết một con trâu do không may chạm phải đoạn dây bị rò điện.

Không chỉ nguy hiểm, người dân còn chịu tổn thất về kinh tế do đường điện tự kéo dài khoảng 600-700m, điện bị thất thoát nhiều nên chi phí tiền điện hằng tháng cao hơn so với mức sử dụng thực tế.

Đường điện dài vắt trên các trụ tre, qua đồng ruộng, sình lầy
Đường điện dài vắt trên các trụ tre, qua đồng ruộng, sình lầy

Đang sửa chữa lại căn nhà, anh Y Tân Bkrông (SN 1986) ở buôn Phôk, xã Yang Tao không thể dùng điện tự kéo để phục vụ thi công, mà phải nhờ kéo trực tiếp từ hạ áp gần nhất trong buôn cách nhà gần một cây số. 

Anh Y Tân chia sẻ: Hơn 10 năm về đây sống, năm nào mình cũng thay trụ điện để hạn chế rủi ro, nhất là mùa mưa, thường xuyên xảy ra chập điện rất nguy hiểm. Chưa kể, tiền điện hằng tháng cũng nhiều, nhà mình chỉ sử dụng thiết bị điện thông thường như máy bơm nước giếng sinh hoạt, nồi cơm và thắp sáng mà hằng tháng hết 400-500 nghìn tiền điện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lắk còn một số thôn, buôn, khu dân cư ở cách xa đường dây hạ áp, phải tự kéo điện về sử dụng. Cụ thể: xã Bông Krang khoảng 67 hộ ở các Buôn Thái, buôn Hang Ja, buôn Jang Kring và Thôn Sân Bay và Krai; xã Yang Tao 42 hộ ở buôn Phôk; xã Buôn Triết có 32 hộ của buôn Ja Tu và buôn Tung 3.

Ông Y Lập Buôn, Bí thư Chi bộ buôn Krai chia sẻ: Sợ trụ tre, trụ gỗ nhanh hư hỏng, bà con đóng mỗi hộ 5 triệu đồng để dựng hơn 200 trụ sắt kéo điện về dùng, nhiều hộ còn dùng chung công tơ không chỉ làm tình trạng yếu điện thường xuyên diễn ra, mà còn gây mâu thuẫn, mất an ninh trật tự vì phân chia tiền điện.

Mong sớm có đường điện an toàn

Vẫn biết rằng sử dụng điện tự kéo, nguy hiểm rình rập, người dân nơm nớp lo sợ nhưng cũng phải chấp nhận. Các hộ dân đã nhiều lần phản ánh các cấp chính quyền và tại các buổi tiếp xúc cử tri, mong ngành Điện lực sớm đầu tư đường điện hạ áp để người dân được sử dụng điện an toàn, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Gần 20 năm qua, ông Y Đa Viết Bkrông, buôn Phôk sử dụng đường điện tự kéo
Gần 20 năm qua, ông Y Đa Viết Bkrông, buôn Phôk sử dụng đường điện tự kéo

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao Y Wu Sruk, hiện nay có 42 hộ dân tộc Mnông ở buôn Bhôk không được sử dụng điện lưới quốc gia, các hộ dân đang sử dụng điện tự kéo. Điều người dân mong mỏi nhất là chính quyền địa phương, ngành Điện lực tạo điều kiện, khảo sát, đầu tư kéo đường điện kiên cố để người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, đảm bảo an toàn, yên tâm sinh sống và lao động sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, nội dung cử tri phản ánh về tình trạng sử dụng điện tự kéo, UBND huyện nắm bắt và giao cho UBND các xã và các phòng, ban chuyên môn liên quan liên tục kiểm tra, rà soát các khu vực mất an toàn về điện cần đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, làm việc với Điện lực huyện Lắk để xây dựng kế hoạch, và có phương án đầu tư nâng cấp; đồng thời xem xét đưa vào các nguồn vốn đầu tư của huyện.

Năm 2024, Điện lực huyện Lắk đã xây dựng kế hoạch đầu tư và được Tổng Công ty Điện lực miền Trung phê duyệt danh mục đầu tư đường dây hạ áp vào năm 2025, bảo đảm cung cấp điện an toàn cho các hộ dân tại buôn Phôk, xã Yang Tao và buôn Đoàn Kết, buôn Tung, xã Buôn Triết.

Đối với xã Bông Krang đã đưa hạng mục đầu tư nâng cấp đường dây trung và hạ áp vào dự án Sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã an toàn khu (ATK) UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 2744/QĐ-UBND ngày 22/12/2023. Dự kiến thi công hoàn thành trong năm 2025. Sau đầu tư phục vụ đảm bảo an toàn lưới điện cho trên 65 hộ dân trên địa bàn xã.

Đối với các hộ nhỏ, lẻ ở xa khu dân cư còn lại trên địa bàn huyện, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trạng, xét về mức độ cần thiết, cấp bách, có ảnh hưởng đến quyền lợi và sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội lập danh mục đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm và những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Dự án 8 giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Đăk Hà (Kon Tum): Dự án 8 giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Với nhiều cách làm hay và mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) của Hội LHPN huyện Đăk Hà (Kon Tum), đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức và giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong vùng đồng bào DTTS.