Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Huyện miền núi Thạch Thành thoát nghèo nhờ cây mía

Hồng Phúc - 17:31, 21/12/2020

Xuất phát điểm từ một huyện miền núi nghèo, hiện nay đồng bào huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên thoát nghèo, nhiều gia đình giàu lên nhờ cây mía.

Hàng nghìn hộ dân Thạch Thành thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cây mía
Hàng nghìn hộ dân Thạch Thành thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cây mía

Để đạt được thành tích đó, là nhờ sự quan tâm, sát sao của chính quyền, Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và sự cố gắng nỗ lực của mỗi hộ đồng bào dân tộc nơi đây.

Nhắc đến huyện Thạch Thanh và câu chuyện trồng mía, không thể không nhắc đến xã Thành Trực-vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ" mía tiến vua. Từ 40 năm về trước, mảnh đất Thành Trực đã bắt đầu trồng những cây mía tiến vua đầu tiên nhưng phải đến 30 năm sau, tức năm 2010, cây mía mới được đầu tư thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu cho người dân. Đến nay, diện tích trồng mía tại xã Thành Trực là 150ha.

Với lợi thế đất đỏ bazan tơi xốp, tầng canh tác sâu, nhiều chất dinh dưỡng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cây mía phát triển, mà còn làm nên thương hiệu riêng của mía Thành Trực với vị ngọt đặc biệt không lẫn với bất cứ loại mía nào.

Từ xưa, cây mía tím đã rất được ưa chuộng bởi chất mía thơm, ngọt lại mềm, là sản vật tiến vua. Đến nay, cây mía tiếp tục phát huy giá trị và trở thành "cần câu cơm" của các hộ gia đình miền núi xứ Thanh, giúp các hộ dân thoát nghèo, từng bước đổi đời trên chính mảnh đất quê hương bất chấp những khó khăn về cơ sở vật chất.

Chủ tịch UBND xã Thành Trực, ông Nguyễn Hữu Long cho biết, mỗi ha mía tím cho năng suất khoảng 84 tấn/ ha, đem lại nguồn thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Đặc biệt vào thời điểm chính vụ, nhiều thương lái từ các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, TP Thanh Hóa... đổ về thu mua, cầu lớn hơn cung. Nhanh chóng nắm bắt lợi thế này, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó xác định cây mía tím là cây chủ lực. Năm 2019, thương hiệu mía xã Thành Trực đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Cũng chính nhờ cây mía mà năm 2017, xã Thành Trực đã thực hiện về đích nông thôn mới.

Nếu như năm 2015 có 94 hộ nghèo (chiếm 6,79%) thì đến năm 2019 chỉ còn 39 hộ (chiếm 2,67%) và sang năm 2020, toàn xã chỉ còn 28 hộ (chiếm 1,88%). Điển hình là các hộ sau khi có nguồn thu nhập ổn định từ cây mía đã làm đơn xin thoát nghèo vào năm 2017 như hộ Nguyễn Thị Mây, Bùi Văn Thành, Bùi Văn Điển,...

Hàng trăm ha mía xanh ngút ngàn đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Thạch Thành, Thanh Hóa
Hàng trăm ha mía xanh ngút ngàn đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Thạch Thành, Thanh Hóa

Cùng với Thành Trực, xã Thành Vinh là một trong các xã trồng mía tím nhiều nhất huyện Thạch Thành, với diện tích lên đến 370ha trên tổng số 500ha đất nông nghiệp toàn xã và được triển khai trên địa bàn 8 thôn. Đây là địa phương được xem là mô hình điểm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Thạch Thành, khi có tới 1.200 hộ trồng mía đường trên tổng số 1.447 hộ toàn xã.

Ông Nguyễn Văn Lai ở thôn Thống Nhất. Trước đây là hộ nghèo, nhờ trồng mía mà gia đình ông Lai năm 2017 đã thoát nghèo. Đến nay, kinh tế ổn định, khá giả, ông Lai đã tự chủ xây nhà, mua sắm máy móc đầu tư sản xuất, đầu tư hệ thống bơm nước khoảng 40 triệu.

Theo Giám đốc HTX Dịch Vụ nông nghiệp Thành Vinh, ông Trịnh Ngọc Khắc, trước đây xã Thành Vinh có chuyển đổi trồng cây dâu và cây đay nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 1996, tỉnh cho đầu tư nhà máy đường Việt Nam - Đài Loan và cũng chính từ lúc đó, người dân Thành Vinh chuyển sang trồng mía với 20ha đất trồng thử nghiệm. Sau đó, tới năm 1997 nhân lên 100ha và tới nay là 370ha, chiếm 74% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã.

Khi bắt tay vào triển khai năm 2015, những người trồng mía ở Thành Vinh chủ yếu là hộ nghèo (khoảng 26%). Thế nhưng, sau khi thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có những năm năng suất lên đến 120 tấn/ha.

Bình quân năng suất mía đạt khoảng 80- 100 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí, người nông dân cũng thu được 25-27 triệu đồng/ha. Cũng theo ông Khắc, nhờ cây mía mà nhiều bà con trong xã thoát nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu, đổi đời trên chính mảnh đất quê hương. Từ năm 2015, cây mía đã là cây trồng chủ đạo với mức giá ổn định, cho thu nhập cao. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng nhiều yếu tố nên giá thành thấp hơn, tầm780 nghìn đồng/tấn mía sạch. Trên thực tế có những thời điểm, cây mía đem lại thu nhập tới hơn 1 triệu/tấn, có khoảng 1000 hộ thoát nghèo nhờ cây mía.

Số hộ nghèo của xã Thành Vinh đến nay chỉ còn 55 hộ, chiếm 3,8% và chủ yếu là những gia đình neo đơn, người già.

Toàn huyện Thạch Thành đã thực hiện đưa cây mía vào thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ với quy mô 820 ha. Bên cạnh tập trung phát triển nghề trồng mía, huyện Thạch Thành còn thực hiện kịp thời và hiệu quả các chính sách xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội toàn huyện. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh từ 18,4% (cuối năm 2015) xuống còn 7,38% (năm 2019). Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,01%, tương ứng 366 hộ.

Tin cùng chuyên mục
Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Đón đầu cơ hội khởi sắc trên thị trường trái phiếu ngân hàng đầy tiềm năng, từ ngày 27/05/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức chào bán 20 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1, với tổng giá trị chào bán 2.000 tỷ đồng.