Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ðiện Biên: Thắp sáng các bản làng biên giới

Lê Lan - 13:25, 11/11/2020

Trong giai đoạn 2014 - 2020, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn do EU tài trợ và vốn ngân sách địa phương triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, với tổng mức đầu tư lên tới 841 tỷ đồng. Theo đó, từ nguồn đầu tư Dự án, cuối năm 2019, Ðiện Biên đã hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia về tất cả các xã, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu "100% số xã có điện lưới quốc gia vào năm 2020".

Công nhân Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đóng điện Trạm biến áp Hua Sin 1, Hua Sin 2 tại xã Chung Chải (huyện Mường Nhé)
Công nhân Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đóng điện Trạm biến áp Hua Sin 1, Hua Sin 2 tại xã Chung Chải (huyện Mường Nhé)

Ðiện phải đi trước một bước

Ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên cho biết: Nhằm giúp đồng bào DTTS ở vùng cao, biên giới vơi bớt khó khăn, có điều kiện áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, Ðiện Biên đặt mục tiêu, mỗi năm có thêm hàng nghìn hộ đồng bào DTTS ở các huyện được sử dụng điện lưới quốc gia. 

Theo đó, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Điện Biên có thêm gần 13 nghìn hộ dân thuộc 276 thôn, bản trên địa bàn 81 xã thuộc các huyện Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ… được sử dụng điện. Riêng năm 2019, tỉnh Ðiện Biên có thêm gần 3.000 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nâng tổng số hộ dân toàn tỉnh được sử dụng điện lưới lên gần 91%, Ðiện Biên cũng hoàn thành mục tiêu tất cả 130 xã, phường, thị trấn có điện. Huyện vùng cao Mường Nhé là địa phương sau cùng mà Công ty triển khai công trình điện.

Còn nhớ vào ngày Công ty Ðiện lực Ðiện Biên công bố hoàn thành công trình cấp điện cho 15 điểm bản thuộc 5 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ (huyện vùng biên Mường Nhé), bà con nơi đây cứ ngỡ như trong mơ. Ðưa chúng tôi đến thăm các gia đình ở bản Mường Toong 4, Trưởng bản Vừ A Của phấn khởi khoe: Mường Toong 4 có 29 hộ, tất cả đều là dân tộc Mông thuộc diện sắp xếp, ổn định dân cư theo Ðề án 79. Được Ðảng, Nhà nước quan tâm kéo điện lưới quốc gia về từng nhà, bà con vui lắm!

Đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu

Gần 1 năm trôi qua, nhưng sự kiện ngày 19/12/2019, sẽ luôn là ngày mà khoảng 100 hộ dân ở 2 bản Hua Sin 1 và Hua Sin 2 (xã Chung Chải) sẽ nhớ mãi. Bởi hai bản thành lập đã hơn 10 năm và cũng ngần ấy thời gian, người dân mong ngóng ánh điện về. Trầm tư bên ấm trà xanh, câu chuyện của Trưởng bản Hua Sin 1- Hạng A Sùng đưa chúng tôi ngược về thời gian chừng 20 năm trước. Vào cuối năm 2000, mấy gia đình người Mông đã dừng bước di cư, lập bản ở nơi đây. 

Ngày ấy, rừng ở Chung Chải còn nhiều, đất đai màu mỡ lại bằng phẳng nên người về Hua Sin cứ tăng dần, vậy nhưng Hua Sin vẫn tách biệt với các bản lân cận vì không có điện. Mỗi tối người dân Hua Sin lại dò dẫm băng rừng sang bản bên xem nhờ tivi... 

Nay thì khác rồi, khi màn đêm buông xuống, bản Hua Sin bừng sáng lung linh giữa núi rừng mờ ảo. Có điện rồi, dân bản Hua Sin 1, Hua Sin 2 sẽ yên tâm lao động sản xuất; không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không bỏ bản di cư như trước nữa! 

Chia sẻ niềm vui trong công việc, ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên nói: Để hoàn thành lưới điện cho 15 bản ở huyện biên giới Mường Nhé, cán bộ kỹ thuật Công ty Ðiện lực Ðiện Biên lại như "chạy đua" với thời gian trong mọi công trình mới. Tuy nhiên, mỗi lần chứng kiến đồng bào xúc động đón ánh điện và cảm nhận được cuộc sống của đồng bào từ nay sẽ vơi bớt khó khăn vì có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống tại địa phương, nên mỗi cán bộ, công nhân ngành Điện ở đây lại thêm một lần quyết tâm để hoàn thành công việc. 

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.