Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Kết nghĩa bản bản - Mô hình hiệu quả trong đường lối ngoại giao nhân dân

Trọng Bảo - 22:17, 20/12/2021

Tỉnh Lào Cai có gần 200 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, luôn nỗ lực xây dựng đường biên giới theo phương châm hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Người dân thôn Cốc Phương thu hoạch chuối bán cho thương lái Trung Quốc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Người dân thôn Cốc Phương thu hoạch chuối bán cho thương lái Trung Quốc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Dấu ấn là việc phối hợp giữa lực lượng Biên phòng tỉnh Lào Cai với đơn vị chức năng phía bạn, tổ chức để các thôn, bản dọc hai bên biên giới kết nghĩa, đang được đánh giá là một trong những sáng kiến, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết của Nhân dân hai bên tuyến biên giới.

Cùng nhau phát triển kinh tế

Thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương có hơn 50 hộ gia đình, tất cả đều là người Mông. Đối diện bên kia biên giới, tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những nét văn hóa tương đồng, đặc biệt là sự gắn bó của những người cùng dân tộc, nên cư dân hai bên biên giới đã thường xuyên có sự qua lại, trao đổi, thăm thân.

Đây chính là cơ sở quan trọng để Bộ Chỉ huy Biên phòng Lào Cai tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hai bên tổ chức để hai cụm dân cư này kết nghĩa. Ý tưởng này đã thành hiện thực vào ngày 17/8/2013, sau khi 6 nội dung phối hợp được thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá thảo luận, thống nhất và thông qua tại lễ ký kết nghĩa. Đây cũng chính là Biên bản ghi nhớ cấp thôn bản đầu tiên được hình thành trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Kể từ ngày kết nghĩa, hằng năm thôn Cốc Phương của Việt Nam và tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc đều tổ chức gặp gỡ, vừa để giao lưu, vừa đánh giá lại những kết quả phối hợp, dựa trên 6 điều ghi nhớ đã được thông qua để cùng rút kinh nghiệm, triển khai tốt hơn trong những năm sau.

“Tôi đã sang họp với bà con ở Cốc Phương vài lần rồi, chủ yếu là trao đổi để hỗ trợ nhau trong làm ăn phát triển kinh tế, hoặc các vấn đề liên quan đến giữ gìn trật tự trị an làng bản. Thời gian gần đây, hai bên tập trung bàn bạc rất kỹ trong việc cùng với Bộ đội biên phòng hai nước không để dịch Covid-19 lây lan”, ông Giàng Thề, Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá cho biết.

Mặc dù là cặp địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung triển khai mô hình kết nghĩa bản - bản, chưa có mô hình để tham khảo, học tập, nhưng với sự chủ động của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân hai thôn, việc kết nghĩa đã mang tới nhiều kết quả, ngày càng đi vào thực chất.

Vào các ngày lễ, tết, ngày trọng đại của hai đất nước, bà con Nhân dân hai thôn đều tổ chức sang thăm hỏi, chúc mừng và giao lưu văn nghệ, thể thao để tăng cường tình đoàn kết. Đặc biệt là, chủ động giúp nhau trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Cây dứa đang tạo sự ấm no cho người dân Bản Lầu
Cây dứa đang tạo sự ấm no cho người dân Bản Lầu

Với 2 vạn gốc chuối, gia đình anh Thào Vừ ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 500 - 600 tấn quả. Với giá bán hiện tại, anh sẽ có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Trước đây, đầu ra cho loại nông sản này khá bấp bênh. Nhưng từ khi thôn Cốc Phương của Việt Nam và tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc ký kết nghĩa, nhiều tiểu thương bên nước bạn đã sang thu mua chuối tại Cốc Phương, với giá ổn định, giúp bà con yên tâm, chủ động phát triển loại cây này.

“Sau khi thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá kết nghĩa với nhau, thì anh em, bạn bè hai bên đã giúp nhau về phân bón, kỹ thuật nên sản phẩm cũng đạt tiêu chuẩn hơn, giá bán cũng cao hơn. Các thương lái ở Tam Bình Bá không mua hết họ lại giới thiệu cho thương lái ở nơi khác về mua, tiêu thụ chuối, dứa cho mình, nên kinh tế của bà con bây giờ cũng khá lên”, anh Vừ chia sẻ.

Từ những diện tích được trồng manh mún với quy mô hộ gia đình ở thôn Cốc Phương, giờ đây cây chuối và cây dứa đã được cấp ủy, chính quyền xã Bản Lầu quy hoạch, mở rộng, trở thành vùng nông sản hàng hóa lớn nhất của huyện Mường Khương. Từ chỗ quanh năm phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giờ đây hầu hết người dân thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu đều đã thoát được nghèo, số hộ khá và giàu ở địa phương cũng tăng lên đáng kể.

Kết nghĩa Bản - Bản góp phần giữ vững chủ quyền biên giới. (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu tuần tra biên giới)
Kết nghĩa Bản - Bản góp phần giữ vững chủ quyền biên giới. (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu tuần tra biên giới)

Góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới

Tuyến biên giới giữa xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) với huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài khoảng 10km, chủ yếu là khe suối cạn và đất liền. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động, đồng thời cũng rất dễ nảy sinh những phức tạp trong nhiệm vụ quản lý đường biên mốc giới.

 Trong những năm trước, dọc tuyến biên giới này đã xảy ra khá nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động quá cảnh hay chăn thả gia súc qua biên giới, khiến cho quan hệ giữa một số hộ gia đình ở hai bên căng thẳng, thậm chí tranh chấp, gây mất trật tự an ninh khu vực biên giới.

Từ sau khi thôn Cốc Phương của Việt Nam và tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc kết nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu đã đấu tranh, xử lý hiệu quả nhiều vụ việc, bắt hàng chục đối tượng, liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy và tội phạm mua bán người qua biên giới. Điều đáng nói là trong hầu hết những chiến công ấy đều có sự đóng góp tích cực của quần chúng nhân dân hai bên biên giới.

Qua quá trình triển khai những mô hình này chúng tôi thấy hiệu quả và tác dụng rất lớn trong công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mô hình kết nghĩa còn góp phần quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết láng giềng, hữu nghị, giúp nhau cùng phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương của hai đảng, hai nhà nước. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tiếp tục khảo sát các cặp cụm dân cư, qua đó tham mưu cho các địa phương tiếp tục tổ chức kết nghĩa các cặp cụm dân cư hai bên biên giới.

Đại tá Nguyễn Trọng NgữChính ủy Bộ chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh Lào Cai

“Quần chúng Nhân dân thường xuyên trao đổi, kịp thời cung cấp nhiều nguồn tin về các hoạt động, cũng như các vụ việc diễn ra trên khu vực biên giới, giúp lực lượng Biên phòng kịp thời xử lý, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn giải quyết mọi tình hình trên biên giới. 

Chính vì vậy mà nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của chúng tôi không còn gặp nhiều khó khăn như những năm trước”, Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu nhấn mạnh.

Thực tế những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã triển khai khá nhiều hoạt động phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn, như trong việc tổ chức các hoạt động hội đàm, trao đổi nghiệp vụ, tuần tra song phương, tuần tra liên hợp, kết nghĩa đồn trạm hữu nghị, cũng như diễn tập phòng, chống khủng bố qua biên giới...

Sau khi phối hợp tổ chức để cụm dân cư hai bên biên giới kết nghĩa, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn đường biên mốc giới tiếp tục nhận được sự tham gia tích cực từ phía người dân, những chủ thể trong quan điểm đẩy mạnh công tác đối ngoại Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, tạo nên một mối quan hệ hình mẫu trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Chủ quyền, biên giới quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, bất di bất dịch trong tiềm thức của mỗi người và được quản lý theo thông lệ quốc tế và pháp luật giữa các quốc gia. Những cặp dân cư biên giới kết nghĩa như thôn Cốc Phương với tổ Tam Bình Bá đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. 

Mô hình được triển khai ở cấp cộng đồng dân cư nhỏ nhất, nhưng đã mang lại lợi ích to lớn, góp phần quan trọng vào việc vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, làm trong sáng thêm, sâu sắc thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân hai bên biên giới, hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh ngoại giao Nhân dân của hai Đảng và hai Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.