Đến thăm thôn Na Cho Cai của xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) một trong những thôn biên giới gần mốc 325, hai bên đường nhà cửa được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, nhiều hộ mở cửa hàng kinh doanh buôn bán. Đời sống Nhân dân phát triển hơn so với những nơi khác trong vùng do gần chợ biên giới, người dân thường xuyên qua lại giao lưu, buôn bán.
Nhà anh Giàng Cổ Hòa, dân tộc Mông, một hộ kinh doanh điển hình ở đây chia sẻ: “Tôi thường đánh xe sang chợ Trung Quốc để mua phân bón, thức ăn chăn nuôi, hàng tạp hóa về bán cho bà con quanh vùng”.
Do gần chợ biên giới Phảng Trà (Trung Quốc), đường sá thuận tiện nên công vận chuyển không mất nhiều tiền như chở từ dưới xuôi lên, giá thành rẻ. Thậm chí, ở đây nhiều hộ muốn xây nhà cũng mua vật liệu, gạch, xi măng từ bên kia chở về. Do hai thôn ở gần nhau, phần lớn đều là người Mông, Hoa nên mối quan hệ khá thân thuộc, gần gũi, có những gia đình có con, cháu sang lấy vợ, chồng ở Trung Quốc. Trưởng thôn Giàng Văn Cồ cho biết, mối quan hệ của hai thôn từ xưa đã rất tốt, có những lúc thôn bên này thiếu nước thì thôn bên kia lại cho nước dùng...
Để tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, trên cơ sở Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang, Việt Nam với Chính phủ Nhân dân châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Đồn Biên phòng Tùng Vài, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận xây dựng kế hoạch tổ chức ký kết nghĩa giữa các xã biên giới của huyện Quản Bạ, gồm: Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn với các hương Bát Bố, Hạ Kim Xưởng, trấn Thiên Bảo của huyện Malypho, Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc). Nội dung hai bên cùng hướng tới là tuyên truyền, vận động, giáo dục cho Nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương; truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn có lâu đời giữa hai bên biên giới.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận Phan Thông Quyết, cho biết: “Xã đã tổ chức ký kết nghĩa với hương Bát Bố từ năm 2014, nhằm tăng cường giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi... Lãnh đạo chính quyền hai bên cũng thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, giải quyết các vấn đề chung khá hiệu quả. Từ đó, Nhân dân đi lại thăm thân, làm ăn buôn bán cũng dễ dàng hơn. Bà con cùng giúp nhau bảo vệ hoa màu, bảo vệ đường biên mốc giới, thắt chặt tình đoàn kết”.
Để các nội dung ký kết nghĩa giữa các xã biên giới của huyện Quản Bạ với các hương, trấn của Trung Quốc đi vào thực chất, trong thời gian tới, huyện Quản Bạ định hướng tiếp tục chỉ đạo các xã biên giới, hai Đồn Biên phòng tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các nội dung đã ký kết. Định kỳ hằng năm, thông qua các hoạt động đối ngoại, chủ động trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung ký kết. Từ đó, làm cơ sở rút ra bài học kinh nghiệm, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên biên giới.