Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kết nối nghệ thuật với công chúng thời 4.0

Hồng Minh - 16:26, 01/09/2020

Khi không gian mạng phát triển thì việc giới thiệu tác phẩm nghệ thuật trên Internet đang dần trở nên quen thuộc, phổ biến. Phát huy lợi thế, tiện ích không gian mạng, trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều nghệ sĩ vẫn có thể giới thiệu kịp thời đến với công chúng những sản phẩm nghệ thuật của mình trên không gian mạng...

Không gian mạng sẽ giúp cho công chúng thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Không gian mạng sẽ giúp cho công chúng thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội đã xuất nhiều cộng đồng, nhóm giới thiệu tác phẩm, kết nối nghệ sĩ và công chúng, như: Viet Art Now (dự án về mỹ thuật); Họa sĩ và nhà sưu tập; Họa sĩ và tác phẩm… Các nhóm thu hút hàng chục nghìn người theo dõi và có lượng tương tác khá tốt. Tác phẩm được giới thiệu cũng vô cùng đa dạng, đặc biệt là lĩnh vực hội họa, điêu khắc. Đây là cầu nối nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật trong nước, cũng như quốc tế; giúp các nghệ sĩ có thể dễ dàng giới thiệu tác phẩm đến đông đảo công chúng, góp phần thúc đẩy sáng tạo. 

Họa sĩ Phạm An Hải, đồng sáng lập Viet Art Now cho biết: Sau vài năm Viet Art Now hoạt động, với mục đích phi lợi nhuận đã đem lại môi trường nghệ thuật cởi mở, tạo môi trường giao lưu giữa các họa sĩ, giúp công chúng tiếp cận được thông tin, sưu tầm tác phẩm, thúc đẩy thị trường nghệ thuật phát triển. Qua đó, nhiều họa sĩ bán được tác phẩm, giảm chi phí gửi qua các bộ sưu tập, cũng như không chịu sự ảnh hưởng từ sự lựa chọn một chiều của bộ sưu tập. 

Cũng nhờ xu hướng này, thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều đơn vị, cá nhân văn nghệ sĩ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ lên mạng xã hội, nhằm tiếp tục mang đến những sự kiện ý nghĩa, những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ khán giả. 

Ví dụ như những diễn viên múa tự do, thay vì biểu diễn trên sân khấu như thường lệ, thì thời gian qua họ đã thử sức trên một sân khấu mới, đó là mạng xã hội khi tự quay các Video chia sẻ qua kênh Youtube. Thay vì phải đến các nhà hát, không gian tập trung đông người như trước đây, khán giả chỉ cần dùng điện thoại thông minh thông qua vài động tác, là có thể thưởng thức trọn vẹn một chương trình, một sản phẩm nghệ thuật mà vẫn bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Có thể thấy, đây là xu hướng tất yếu và là mảnh đất rộng lớn, đa dạng để những người làm văn hóa nghệ thuật khai thác. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ đó, đòi hỏi công tác quản lý các sản phẩm trình chiếu Online phải được thực hiện chặt chẽ hơn nhằm tránh “vàng thau lẫn lộn”, “rác” nhiều hơn tác phẩm nghệ thuật. 

Còn đối với lĩnh vực hội họa, nhiều họa sĩ, công chúng lo ngại là tình trạng khó xác định thật - giả, nguồn gốc tranh; dễ bị vi phạm bản quyền từ việc sao chép, nhái phong cách khi sáng tác của nghệ sĩ được đưa công khai trên Internet.

Vì vậy, để thị trường nghệ thuật trực tuyến ngày càng tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, cần những người điều hành cộng đồng, sàn giao dịch có chuyên môn tốt, uy tín, quy tụ được bề dày tác phẩm với nhiều phong cách, xu hướng, trường phái… Đồng thời, cần đầu tư nhiều hơn cả về mặt công nghệ, có nền tảng chuyên sâu nhằm giới thiệu tác giả, tác phẩm, cũng như bảo mật thông tin, từ đó trợ giúp, bảo đảm tin cậy cho cả nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật.