Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Không để di sản văn hóa mất “quốc tịch”

Hồng Phúc - 10:16, 23/06/2020

Thế giới phẳng, sự hội nhập toàn cầu giúp các nền văn hóa dễ dàng giao lưu, tạo động lực bảo tồn và phát triển. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đối diện với những nguy cơ nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống bị mất chủ quyền.

Áo dài là trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam
Áo dài là trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam

Phim cổ trang “Thịnh Đường huyễn dạ” của Trung Quốc được sản xuất năm 2018 mới đây đã bị khán giả Việt tố ăn cắp “Nhã nhạc cung đình Huế” vào một phân cảnh. Phim được chiếu trên sóng VTV8 và được nhiều đơn vị khác mua bản quyền phát sóng. 

Giới chuyên môn nhận định, bản nhạc được dùng trong phim là “Lưu thủy - Kim tiền” - bản hòa tấu quen thuộc của người Việt trong các sinh hoạt, nghi lễ mang tính cộng đồng hay lễ hội truyền thống ở khắp đất nước chúng ta từ hàng trăm năm qua. 

Tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân-Hè 2019, áo dài mà các người mẫu mặc trong sự kiện này cùng với chiếc nón lá được truyền thông nước này gọi là “phong cách Trung Quốc”. Thậm chí, phía nhãn hàng còn cung cấp tài liệu chứng minh từ phom dáng, sắc màu và hoạ tiết trong trang phục Trung Quốc giống đến 99% thiết kế Việt Nam.

Đó chỉ là hai trong nhiều ví dụ di sản văn hoá của chúng ta bị “nhận vơ”, dù rằng có di sản đã được UNESCO công nhận. Đây là vấn đề vĩ mô cần được nhìn nhận nghiêm túc, bởi trong thời đại truyền thông bùng nổ như hiện nay, mọi công dân trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận những sản phẩm, ấn phẩm văn hoá của mọi quốc gia thông qua các trang mạng xã hội.

Chính những tính năng xoá tan ranh giới địa lý của những ứng dụng này khiến nguy cơ “mất quốc tịch” của những di sản văn hoá của chúng ta trở thành một nỗi lo có cơ sở. Công chúng nước ngoài mặc nhiên sẽ cho rằng, những gì họ đang được xem, thưởng thức là văn hoá nước khác chứ không phải Việt Nam. 

Áo dài Việt Nam đã bị một số nhà thiết kế Trung Quốc “đánh cắp bản quyền”. (Trong ảnh: Bộ sưu tập của thương hiệu Ne Tiger của tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân – Hè 2019, Áo dài Việt Nam được các báo Trung Quốc gọi là phong cách Trung Quốc)
Áo dài Việt Nam đã bị một số nhà thiết kế Trung Quốc “đánh cắp bản quyền”. (Trong ảnh: Bộ sưu tập của thương hiệu Ne Tiger của tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân – Hè 2019, Áo dài Việt Nam được các báo Trung Quốc gọi là phong cách Trung Quốc)

Khán giả nước ngoài khó trách nếu hiểu nhầm quốc tịch của di sản, nhưng không ít người Việt cũng hiểu biết “không tới nơi tới chốn” để có thể phản biện. Nếu không bảo vệ vững chắc chủ quyền văn hoá, bản sắc của chúng ta sẽ đi về đâu? 

Thậm chí, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp những đặc sản văn hoá của Việt Nam lại nổi tiếng ở nước ngoài chứ không phải được biết đến từ nơi khai sinh. Điều này đặt ra vấn đề đối với các cơ quan quản lý văn hoá về truyền thông di sản. Chúng ta sẽ ứng xử với di sản nào? 

Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong việc quảng bá văn hóa ra thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, đầu tư cho quảng bá văn hóa nội địa ra nước ngoài chính là tăng cường tiềm lực, “sức mạnh mềm” cho quốc gia. Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc, tuy nhiên để “mã định danh” này có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ; để thế giới chỉ cần nhìn vào đó đã có thể khẳng định là Việt Nam, thì cần phải tập trung quảng bá và định vị thương hiệu. Khi sức mạnh của “mã định danh” văn hóa Việt được lan tỏa, sẽ không còn chuyện âm nhạc, trang phục, món ăn… của nước này bị lẫn, “nhận vơ” thành nước khác. 

Trên thực tế, tại Việt Nam, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường công tác quảng bá văn hóa ra nước ngoài, như: TP. Hà Nội làm các phim quảng cáo ngắn giới thiệu lịch sử, di sản, văn hóa, con người Hà Nội phát sóng trên kênh CNN; tỉnh Quảng Bình xúc tiến, quảng bá hình ảnh Phong Nha-Kẻ Bàng tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood và tại New York Times Travel show 2019. Tuy nhiên song song với việc tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về văn hoá, chúng ta, mỗi người dân, mỗi cơ quan, đặc biệt là cơ quan quản lý văn hoá cần có một thái độ kiên quyết khi chủ quyền văn hoá của mình bị xâm lăng.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.