Theo quy định hiện hành, hệ thống khám chữa bệnh ở Việt Nam được phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm: Ban đầu - Cơ bản - Chuyên sâu, thay vì phân tuyến như trước là xã - huyện - tỉnh - trung ương.
Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi bổ sung) có hiệu lực từ ngày 1/1 quy định nhiều nội dung ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cơ sở y tế và quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh liên quan đến xếp cấp chuyên môn kỹ thuật và số điểm của từng cơ sở y tế.
Tuy nhiên, đến ngày 6/1, Bộ Y tế và nhiều sở y tế vẫn chưa công bố chính thức kết quả xếp cấp kèm số điểm, khiến người dân không biết sẽ đến thẳng bệnh viện nào để khám chữa bệnh mà vẫn được đảm bảo tối đa quyền lợi. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại các cuộc họp ngày 2/1 và 6/1 liên tục đôn đốc, nhắc nhở Cục Quản lý khám chữa bệnh và các địa phương nhanh chóng công khai kết quả này.
Ngày 8/1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) công bố kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của 48 đơn vị trực thuộc Bộ.
Trong số đó, có 4 bệnh viện được xếp cấp chuyên sâu kỹ thuật cao, gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. Các bệnh viện đều có số điểm trên 90. Ngoài ra có 25 đơn vị được xếp cấp chuyên sâu, số điểm đạt từ 71 đến 86.
Cụ thể, ở Hà Nội có 20 bệnh viện cấp chuyên sâu gồm: Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, E, K (3 cơ sở), Nội tiết Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Phổi Trung ương, Mắt Trung ương, Da liễu Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Châm cứu Trung ương, Tâm thần Trung ương I, Lão khoa Trung ương, Tai - Mũi - Họng Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y Hà Nội và Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Ở TPHCM và các địa phương khác có 5 bệnh viện: Răng hàm mặt Trung ương TPHCM, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, C Đà Nẵng và Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Số còn lại 19 đơn vị được xếp cấp cơ bản dù trước đây là bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới...
Nhiều bệnh viện thực hành của các trường đại học y dược như: Bệnh viện Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ hay Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam... được xếp cấp cơ bản.
Việc công khai kết quả xếp cấp và số điểm của từng cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế là cơ sở để người dân và các cơ sở "tuyến dưới" thuận tiện hơn trong việc chuyển tuyến, đến đúng địa chỉ.
Đơn cử, trong Thông tư 01, Bộ Y tế công khai 2 danh mục gồm: 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu; 105 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa tại cơ sở cấp cơ bản mà không cần phải có giấy chuyển tuyến. Chính sách này được áp dụng từ 01/01/2025.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay, với 167 bệnh, nhóm bệnh, trường hợp bệnh được "thông cấp cơ bản" này, người bệnh chỉ cần cầm điện thoại, thậm chí ai có trí nhớ tốt chỉ cần ghi nhớ mã số thẻ BHYT, có thể đi tay không đến cơ sở khám chữa bệnh, vẫn được hưởng tối đa quyền lợi BHYT trong phạm vi được hưởng như đi đúng trình tự.
Hoặc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai (cơ sở mới thành lập) được tạm xếp cấp cơ bản, chưa chấm điểm. Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết theo quy định trong Nghị định 02 của Chính phủ, từ ngày 01/01/2025, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh ngoại trú "trái tuyến" tại Bệnh viện này sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng. Trước đây, người bệnh có thẻ BHYT đi khám ngoại trú trái tuyến không được BHYT chi trả.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2026, người bệnh có thẻ BHYT tự đến khám ngoại trú tại cơ sở cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 điểm đến dưới 70 điểm như Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ (65 điểm), Bệnh viện Hữu Nghị (61 điểm) hay Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (60 điểm), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (50 điểm), sẽ được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng, thay vì trước đây các trường hợp này không được hưởng BHYT.