Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khắc phục những "điểm trừ" ở các mô hình Homestay xứ Nghệ

An Yên - 14:32, 12/05/2023

Những năm qua, từ việc phát triển các Homestay ở Nghệ An không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn là cơ sở để gìn giữ nét văn hóa truyền thống, quảng bá phong tục, tập quán của vùng đất. Nhưng, cơ sở lưu trú hạn chế, không thuận lợi giao thông, kỹ năng phục vụ đón tiếp chưa tốt, tư duy ngại thay đổi của một số đồng bào… đang là những “điểm trừ” và không thể tăng được nguồn thu nhập, nếu các Homestay xứ Nghệ không tự "làm mới mình".

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với homestay ở Quế Phong
Mô hình du lịch cộng đồng gắn với Homestay ở Quế Phong

Tiềm năng lớn…

Ngược Quốc lộ 48, chúng tôi đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu). Bản Hoa Tiến là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái ở đất cổ Phủ Quỳ, với nghề dệt thổ cẩm truyền đời. Đây là một trong những điểm du lịch Homestay được hình thành khá sớm của miền Tây xứ Nghệ.

Đến Hoa Tiến, ngoài thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị núi rừng; thưởng ngoạn cọn nước, hát múa lăm vông, trải nghiệm hang Bua…; du khách còn có điều kiện mang về làm quà từ một sản phẩm thổ cẩm nức tiếng. Nói là nức tiếng, bởi thổ cẩm ở Hoa Tiến đã vượt núi vượt rừng đến với trời Tây, chinh phục những khách hàng khó tính bằng sự tinh xảo trong thêu dệt, bằng sự sáng tạo và cách tân trong thể hiện, bằng sự thân thiện từ chính những sản phẩm với chất liệu thiên nhiên…

Phía bên kia, những Homestay ở miền Trà Lân cũng đã là điểm đến không chỉ một lần với rất nhiều du khách. Như ở Homestay bản Nưa, xã Bồng Khê (Con Cuông), du khách có thể trải nghiệm dệt thổ cẩm, nấu những món ăn truyền thống như cơm lam, cá mát nướng… Buổi tối, du khách có thể hòa mình vào điệu múa lăm vông bên ché rượu cần và nhảy sạp. Từ Homestay bản Nưa, du khách có thể đến thăm Vườn quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài… để trải nghiệm du lịch sinh thái rừng.

Trên “cổng trời” xa xôi, Homestay Phú Vân ở thung lũng trung tâm bản Mường Lống, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đang là điểm đến khó cưỡng. Quanh Homestay là những cây mận, cây đào cổ thụ, là những vườn hoa cải vàng rực rỡ, nghiêng tràn trên sườn dốc. Khi đã “mệt nhoài” với sự thưởng ngoạn, những món ẩm thực đậm hương vị núi rừng khiến du khách thêm thích thú.

Ở Mường Lống, còn có các Homestay của các gia đình Vừ Y Dếnh, Lỳ Tồng Pó, với nơi ngủ, nghỉ kiên cố được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng theo kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào Mông. Điều đặc biệt, các Homestay này đều giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc bao đời của đồng bào địa phương, từ bố trí cảnh quan xung quang đến chế biến món ăn, nơi nghỉ ngơi của du khách…

Tính đến tháng 3/2023, tại 11 huyện miền núi Nghệ An có khoảng 70 Homestay đã đi vào hoạt động, tập trung chủ yếu ở Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu… Mỗi điểm Homestay ở miền Tây Nghệ An đều mang một bản sắc riêng, giữ được nét hoang sơ của cảnh đẹp thiên nhiên, nếp sinh hoạt truyền thống cộng đồng các dân tộc địa phương.

Khi người dân tính chuyện làm giàu

Điều khiến du khách hài lòng là sự mến khách và phục vụ nhiệt tình, cởi mở của người dân địa phương. Hơn thế, kiến trúc các Homestay cũng như phong cách phục vụ, sản phẩm dịch vụ lưu giữ được nét truyền thống văn hóa của người dân sinh sống nhiều đời nơi đây. Hầu hết các Homestay đều nằm trong khu vực thiên nhiên hoang sơ, được bảo tồn nghiêm ngặt như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Vườn Quốc gia Pù Mát… góp phần tạo nên điểm khác biệt.

Từ tiềm năng sẵn có, đồng bào Thái, Mông ở các huyện miền Tây xứ Nghệ đang tính chuyện làm giàu. Xin dẫn chứng một ví dụ điển hình. Ngay như huyện Con Cuông - một địa phương nổi tiếng về du lịch cộng đồng, gắn với khai thác các giá trị thiên nhiên và loại hình du lịch Homestay khá phát triển, là một ví dụ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2022 của Con Cuông đạt khoảng hơn 91 tỷ đồng; lượng khách du lịch đến Con Cuông trong năm 2022 cũng đạt khoảng 76.000 lượt, trong đó, khách du lịch cộng đồng khoảng 27.000 lượt.

Homestay ở xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn
Những Homestay ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn đang thu hút khách

Ở những huyện có du lịch cộng đồng và các Homestay, bản làng, cuộc sống, bộ mặt đời dân sinh… đã có nhiều khởi sắc hơn. Tại huyện Tương Dương năm 2022, đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu hơn 8 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Tương Dương cho hay: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ sinh thái cộng đồng được huyện xác định, là một trong những hướng phát triển kinh tế quan trọng. Các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng bước đầu hình thành, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, như cụm du lịch sinh thái Tam Quang (Khu Du lịch sinh thái Nậm Xán) - Tam Đình (rừng săng lẻ, Khe Cớ, Quang Phúc) - đền Vạn; tuyến tham quan khe Ngậu, xã Xá Lượng - thác Nha Vang, xã Nhôn Mai - rừng săng lẻ, xã Tam Đình; mô hình tham quan cọn nước, bản Coọc, xã Yên Hòa. 

Hiện nay, huyện Tương Dương đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái tại rừng săng lẻ. Đồng thời, xây dựng 3 Homestay tại bản Quang Phúc, xã Tam Đình và 3 Homestay bản Coọc, xã Yên Hòa.

Còn đó nhiều trăn trở

Phát triển du lịch Homestay là hướng đi đúng, hiệu quả, tuy nhiên để duy trì bền vững các mô hình này, còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét, giải quyết. Đầu tiên là những hạn chế về hạ tầng cơ sở lưu trú, các Homestay vẫn chưa thực sự khiến du khách hài lòng vì hầu hết còn đơn sơ, chưa có sự đầu tư (kể cả là vấn đề vệ sinh môi trường) và còn tận dụng địa điểm, nhà ở của chính chủ Homestay để “làm” du lịch.

Đơn cử như huyện Quế Phong, hiện nay có 8 cơ sở Homestay. Nhưng trong số này mới có 2 cơ sở có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, với mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Còn lại những cơ sở khác đều đang sử dụng nhà ở của gia đình rồi nâng cấp phục vụ khách du lịch.

Hay như ở Môn Sơn (Con Cuông), tại điểm du lịch cộng đồng ở bản Xiềng, các omestay được phân bổ rải rác ở các hộ. Vì vậy, nếu có đoàn khách trên 20 người muốn ở tập trung thì rất khó bố trí, tạo ra sự rời rạc, giảm không khí hội hè đối với du khách, gây tâm lý không thoải mái.

Để duy trì, tăng thu nhập từ mô hình Homestay, các hộ cũng cần chủ động học hỏi 'làm mới mình". (Trong ảnh: Một Homestay ở bản Nưa, xã yên Khê, huyện Con Cuông)
Để duy trì, tăng thu nhập từ mô hình Homestay, các hộ cũng cần chủ động học hỏi 'làm mới mình". (Trong ảnh: Một Homestay ở bản Nưa, xã yên Khê, huyện Con Cuông)

Với những du khách ưa mạo hiểm khi chinh phục “nóc nhà” xứ Nghệ - đỉnh Puxailaileng ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Từ Quốc lộ 7A trở vào, phải đi quãng đường gần 30 km khá dốc và quanh co. Để du khách có đủ thời gian tận hưởng mây trời, sương núi của “nóc nhà” cao 2.700 m so với mực nước biển, thì phải mất ít nhất 1 ngày. Trong khi đó, do Na Ngoi chưa có cơ sở lưu trú, chưa có homestay nên đến cuối ngày thì bắt buộc du khách phải… rời Na Ngoi tìm chỗ nghỉ.

Được đánh giá là điểm đến hấp dẫn như các Homestay ở xã Hạnh Dịch (Quế Phong), chỉ có một con đường độc đạo để đi từ Quốc lộ 48 đến trung tâm xã. Đường được thiết kế xây dựng chỉ vừa đủ 2 xe ô tô tránh nhau, có nhiều đoạn phải nép sát lề đường mới có thể qua. Chưa kể, dù ở sát thủy điện Sao Va, nhưng còn thiếu điện lưới quốc gia gây khó khăn cho nguồn điện và sóng điện thoại, Internet khiến du khách khó chịu.

Để kích cầu ngành kinh tế du lịch, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 07 hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết quy định hỗ trợ mô hình hộ gia đình 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Tổng cục Du lịch. Hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị ban đầu để phục vụ khách du lịch. 

Đối với thôn, xóm, bản: Hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ; hỗ trợ 15 triệu đồng/thôn, xóm, bản lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh. Đối với UBND cấp huyện: Hỗ trợ 80 triệu đồng kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân; hỗ trợ 100 triệu đồng kinh phí tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cộng đồng.

Đó là những khích lệ cần thiết để người dân, địa phương vùng miền núi thêm động lực. Hơn hết, nó còn đưa ra một lời giải cho “bài toán” sinh kế bền vững gắn với tiềm năng thiên nhiên ban tặng, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền Tây của tỉnh. Song để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là ở các huyện miền Tây, cần cơ chế chính sách mạnh hơn nữa về cả đầu tư tài chính và nhân lực.

 Một yếu tố đặc biệt quan trọng, là người dân sở tại và các gia đình làm du lịch Homestay cần phải đổi mới tư duy, chủ động học hỏi để tự "làm mới mình", góp phần để thu hút du khách đến với địa phương, đến với mô hình của gia đình mình nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.