Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Khắc phục tình trạng thiếu gần một nghìn giáo viên ở Lào Cai - Các giải pháp vẫn đang là tạm thời

Trọng Bảo - 23:12, 25/10/2023

Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, thế nhưng, tại tỉnh miền núi Lào Cai vẫn còn thiếu gần một nghìn giáo viên so với quy định. Mặc dù địa phương đã tích cực trong công tác tuyển dụng , nhưng do thiếu nguồn nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp linh hoạt bảo đảm cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ là trước mắt, tạm thời thiếu bền vững.

Để có thời gian đi dạy tăng cường cho Trường THCS Lùng Vai, giờ học Tiếng Anh của Trường Tiểu học Lùng Vai phải bố trí học ghép hai lớp
Để có thời gian đi dạy tăng cường cho Trường THCS Lùng Vai, giờ học Tiếng Anh của Trường Tiểu học Lùng Vai phải bố trí học ghép hai lớp

Trường THCS xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, có 263 học sinh, với 8 lớp học. Để phục vụ cho công tác giảng dạy, hiện nay trường có 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo định biên thì còn thiếu hai biên chế. Tuy nhiên, đối với bộ môn Tiếng Anh hiện nhà trường không có giáo viên. Đây là môn học đặc thù nên giáo viên trong trường không thể dạy kiêm nhiệm được. Giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng này, là nhà trường đã được tăng cường giáo viên dạy Tiếng Anh từ trường Tiểu học Lùng Vai đáp ứng 6 tiết/tuần.

 Bà Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 4 lớp học Tiếng Trung và 4 lớp học Tiếng Anh, việc Phòng Giáo dục huyện tăng cường giáo viên đã tháo gỡ kịp thời trong việc giảng dạy bộ môn Tiếng Anh trong năm học mới này.

“Năm học trước trường vẫn có giáo viên Tiếng Anh, tuy nhiên vừa rồi cô giáo đã xin nghỉ việc. Đối với giáo viên tăng cường từ trường Tiểu học Lùng Vai sang, chúng tôi rất yên tâm về chuyên môn, vì trước đây cô giáo này cũng là giáo viên của trường trước khi chuyển sang trưởng Tiểu học”, bà Hòa cho biết thêm.

Tại trường THCS xã Bản Qua, huyện Bát Xát do thiếu giáo viên môn Hóa và môn Tin học. Để bảo đảm cho công tác giảng dạy, trường được tăng cường giáo viên dạy môn Tin từ trường THCS xã Pa Cheo và giáo viên dạy Hóa từ trường PTDTBT xã Trịnh Tường. Bà Vũ Thị Túy Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc ngành giáo dục có chủ trương tăng cường giáo viên giữa các trường, để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên bộ môn là rất kịp thời và hợp lý. Trong quá trình các giáo viên tăng cường, thì cả hai nhà trường thực hiện cộng quản; hàng tháng, hàng quý trường đều có đánh giá nhận xét chất lượng, ý thức chức tổ chức kỷ luật của giáo viên được tăng cường. Từ đó, góp phần bảo đảm chất lượng cũng như nâng cao trách nhiệm đối với các thầy cô được tăng cường.

“Ngay như trường chúng tôi hiện cũng đang tăng cường giáo viên Văn Sử cho trường THCS xã Bản Xèo 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên bộ môn cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, như trường chúng tôi được tăng cường 2 giáo viên về giảng dạy môn Tin và Hóa; đương nhiên những môn này sẽ rất khó trong việc đào tạo, ôn luyện học sinh giỏi của trường vì các thầy cô cũng chỉ tăng cường 2 ngày/tuần”, bà Bình chia sẻ.

Giáo viên môn Tin học tăng cường từ trường THCS xã Pa Cheo về dạy tại Trường THCS xã Bản Qua 2 ngày/tuần
Giáo viên môn Tin học tăng cường từ trường THCS xã Pa Cheo về dạy tại Trường THCS xã Bản Qua 2 ngày/tuần

Theo thống kê, năm học 2023-2024, toàn huyện Bát Xát còn thiếu hơn 200 giáo viên. Trước thực trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở trường học tăng số lượng học sinh/lớp học và giảm số lượng lớp học. Cùng với đó, phát động phong trào hỗ trợ giữa trường với trường bằng cách tăng cường giáo viên bộ môn về các trường thiếu…

“Về lâu dài chúng tôi sẽ tập trung việc hợp đồng, tuyển dụng bổ sung giáo viên theo chỉ đạo chung của tỉnh; đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp học như giảm số lớp, tăng số học sinh/lớp”, bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát nhấn mạnh.

Các giải pháp của các địa phương, trường học thời gian qua, nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cũng chỉ là giải pháp trước mắt; về lâu dài ngành giáo dục cần có kế hoạch, cơ chế thu hút giáo viên về các địa phương vùng cao để công tác.

 Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai không tuyển dụng được giáo viên, không chỉ có lý do thiếu nguồn mà có nhiều giáo viên sau khi tuyển dụng về các trường vùng sâu, vùng xa thì đã bỏ việc. Hiện nay, nhiều địa phương cũng kiến nghị đối với ngành giáo dục vùng cao không nên áp dụng giảm biên chế theo lộ trình theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, vì thực tế hiện nay nhiều trường học chưa bảo đảm tỷ lệ giáo viên đứng/lớp học theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.