Nghề làm gốm của người Chăm có vai trò to lớn trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội từ khoảng thế kỷ XII tới nay. Bàu Trúc được xem là một trong số ít những làng gốm cổ ở khu vực Đông Nam Á còn giữ được cách làm gốm thủ công với đường nét hoa văn đặc sắc, tạo nên giá trị bền vững.
Ngày 29/11/2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần bảo về khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Chương trình quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm trong chuỗi hoạt động của huyện Ninh Phước chào mừng sự kiện đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần bảo về khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Các hoạt động diễn ra trên địa bàn huyện từ ngày 14 - 16/6/2023, gồm các hoạt động Hội thi văn nghệ quần chúng; Hội thi tay nghề gốm, tay nghề dệt giỏi; Hội thi các môn thể thao, trò chơi dân gian...
Thông qua các hoạt động, nhằm tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân và du khách việc UNESCO đã công nhận, ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần bảo về khẩn cấp”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Nhân dân trong việc phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Nhân dịp này, lãnh đạo huyện Ninh Phước trao 20 suất học bổng mang tên nhà cách mạng Trần Thi cho các em học sinh thị trấn Phước Dân vượt khó đạt thành tích cao trong học tập, mỗi suất 1 triệu đồng. Đồng thời khai mạc Hội thi văn nghệ quần chúng gồm 42 tiết mục ca múa nhạc, thu hút trên 100 diễn viên, nhạc công thuộc 11 đơn vị tham gia. Hội thi văn nghệ quần chúng và các hội thi làm gốm, dệt thổ cẩm kết thúc và trao giải vào ngày 16/6/2023.