Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề quết cốm dẹp của đồng bào Khmer

Phương Nghi - 20:31, 09/04/2023

Làng cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), là làng nghề truyền thống có trên 100 năm tuổi của đồng bào Khmer. Trước kia, bà con nơi đây chủ yếu làm cốm theo mùa Lễ hội Óoc Om Bóc. Hiện nay, trong số 40 hộ vẫn giữ nghề quết cốm dẹp, có 4 cơ sở sản xuất cốm dẹp quanh năm, thu hút hàng chục lao động địa phương. "Ðây là nghề truyền thống cho thu nhập ổn định, nên gia đình đã gắn bó...", một hộ quết cốm dẹp ở Phước Quới cho hay.

Gần 2 năm kiên trì mày mò, anh Lâm Minh Thới (bìa trái), xã Phú Tân (Châu Thành) đã sáng chế ra chiếc máy giã cốm dẹp, nhưng vẫn giữ được đúng chất truyền thống của nghề
Gần 2 năm kiên trì mày mò, anh Lâm Minh Thới (bìa trái), xã Phú Tân (Châu Thành) đã sáng chế ra chiếc máy giã cốm dẹp, nhưng vẫn giữ được đúng chất truyền thống của nghề

Gia đình anh Lâm Minh Thới là thế hệ thứ tư gắn bó với nghề quết cốm dẹp tại ấp Phước Quới, hiện là chủ cơ sơ sản xuất cốm dẹp với 6 chiếc máy quết cốm dẹp. Trước đây, vào mùa Lễ hội Óoc Om Bóc, cả nhà thức quết cốm từ 2 giờ sáng, làm đến xế chiều mới đủ hàng giao cho khách.

Nhưng 4 năm qua, cơ sở làm cốm dẹp của gia đình anh Thới tiết kiệm được rất nhiều chi phí thuê nhân công quết cốm dẹp. Vì chỉ cần 1 người ngồi giữ chiếc sọt bằng lưới để chiếc máy vận hành, là đã hoàn thành khâu quết cốm. 

Trò chuyện với chúng tôi anh Thới khoe: Trong vòng 1 giờ, máy quết được khoảng 15 kg nếp, nếu mình quết bằng tay thì chỉ được khoảng chừng 10 kg. Có máy này, trong khâu quết cốm sẽ đỡ cực hơn, không mệt nhọc bằng việc 2 người luân phiên dùng chày quết cốm. Mình cũng có thể dành thời gian nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Không chỉ nâng cao năng suất làm cốm, khi cốm được quết bằng máy dẹp, đều hơn so với giã thủ công.

Để vận hành thành công những chiếc máy quết cốm dẹp như hiện tại, gần 2 năm kiên trì, anh Thới đã vận dụng những kinh nghiệm từng làm công việc hàn, tiện trong một xưởng tại Tp. Sóc Trăng để nghiên cứu rồi tìm mua thêm phụ tùng, dụng cụ về chế tạo.

Có máy quết cốm đã giảm bớt chi phí nhân công
Có máy quết cốm đã giảm bớt chi phí nhân công

“Tôi gắn bó với nghề làm cốm từ nhỏ, nên yêu quý nghề truyền thống này. Tuy nhiên, do mọi khâu làm cốm đều bằng thủ công, nên khá vất vả. Thấy người ta có máy móc trợ giúp, nên tôi tự mày mò làm ra chiếc máy này”, anh Thới chia sẻ. 

Là nghề truyền thống dân tộc nhiều đời của gia đình để lại, nên anh Thới muốn duy trì cách làm cốm truyền thống nên máy làm cốm, anh Thới vẫn giữ riêng bộ phận chày quết cối để kê vợt đựng cốm đều bằng gỗ.

Theo bà Lâm Thị Phuôl (mẹ anh Lâm Minh Thới), muốn cốm dẹp ngon, nếp mới phải được chọn kỹ có màu phớt xanh, sau đó đem ngâm, rửa sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Sau khi để ráo nước mới đem rang với lửa nhỏ vừa, đến lúc có hạt nếp nổ là vừa chín tới, phải đem đi quết ngay. Như vậy cốm quết xong sẽ dẻo, có mùi thơm; hạt cốm bảo quản được lâu và không bị mốc. 

"Ðây là nghề truyền thống cho thu nhập ổn định, nên gia đình đã gắn bó, ngày nào cũng có người đến tận nhà lấy hàng, quết ngày nào giao ngày đó”, bà Phuôl cho biết thêm.

Bà Lâm Thị Phuôl sàng lọc để có được loại cốm ngon nhất, trước khi đóng gói giao cho khách hàng
Bà Lâm Thị Phuôl sàng lọc để có được loại cốm ngon nhất, trước khi đóng gói giao cho khách hàng

Theo phong tục cổ truyền, cốm dẹp là vật phẩm chính để dâng cúng thần Mặt Trăng (rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm của đồng bào Khmer tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc). Từ ẩm thực mang ý nghĩa tâm linh đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer, hiện cốm dẹp đã trở thành đặc sản nổi tiếng của người Khmer Sóc Trăng. Cốm dẹp Phước Quới còn là món ngon để tiếp đãi bạn bè, hay khách làm quà biếu tặng người thân sau khi trở về từ miền sông nước...

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.