Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khai mạc Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021

T.Hợp - 22:10, 15/04/2021

Tối 15/4, tại đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021. Liên hoan thu hút gần 400 nghệ nhân, cung văn, hầu giá, diễn viên, nhạc công tham dự.

Các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Vĩnh Phúc trình diễn giá Chúa bà đệ nhất Tây Thiên.
Các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Vĩnh Phúc trình diễn giá Chúa bà đệ nhất Tây Thiên.

Hát Văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Đây là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và múa minh họa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Hát văn thường diễn ra nơi cửa đền.

Liên hoan năm nay được tổ chức để kỷ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Liên hoan cũng nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu Văn, tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của các địa phương trong toàn quốc.

Tham gia Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn năm 2021 có 18 đoàn, đây là các nghệ nhân, diễn viên đến từ các Câu lạc bộ, Hội Văn nghệ dân gian của các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định…

Các tiết mục được trình diễn tại liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân vật anh hùng trong lịch sử, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống dựng xây đất nước; ca ngợi thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; diễn xướng 36 giá đồng trong nghi thức "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt". Các đơn vị tham gia dưới hình thức hát đơn, hát tập thể hoặc vừa đàn, vừa hát, có múa phụ hoạ (có thể đặt lời mới).

Tiết mục hát Chầu Văn - “Giá quan Hoàng Mười” do đồng thầy Nguyễn Thị Hương cùng tốp hầu dâng và phụ họa của đoàn Vĩnh Phúc
Tiết mục hát Chầu Văn - “Giá quan Hoàng Mười” do đồng thầy Nguyễn Thị Hương cùng tốp hầu dâng và phụ họa của đoàn Vĩnh Phúc

Các đơn vị tham gia dưới hình thức hát đơn, hát tập thể hoặc vừa đàn, vừa hát, có múa phụ hoạ. Chầu Văn được trích trong các giá hầu, được thao tác theo trình tự nghi lễ trong giá đồng. Thời lượng biểu diễn chương trình của một đơn vị không quá 30 phút; thời gian biểu diễn của thanh đồng phụ thuộc vào giá hầu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý, trong quá trình biểu diễn, không được phán truyền hoặc thực hiện các hành vi phản cảm, mê tín, dị đoan, không sử dụng tiền để phát lộc cho khán giả.

Trong đêm khai mạc Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021, đông đảo người dân đã được thưởng thức các tiết mục đặc sắc. Ban tổ chức dự kiến sẽ xét tặng các giải thưởng A, B cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại liên hoan.

 Liên hoan dự kiến sẽ bế mạc vào tối 18/4./.