Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Khám, chữa bệnh từ xa: Xu hướng tất yếu

Thanh Huyền - 09:59, 06/05/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian gần đây, Việt Nam đã đẩy nhanh triển khai những ứng dụng khám chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân để hạn chế người dân đến các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Về lâu dài, đây cũng là xu hướng tất yếu, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai bài bản, rộng rãi.

Bác sĩ thăm khám cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Huyền
Bác sĩ thăm khám cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Huyền

Nhiều năm nay, chị Mạc Thị Thoại, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã quen với việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi có bệnh. Mỗi khi ốm đau lặt vặt, cảm cúm thông thường, chị thường đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh, mua thuốc về uống. Tuy nhiên, khi bị bệnh nặng hoặc khám nhi khoa cho các con, chị lại lặn lội về Hà Nội để khám, điều trị. “Tôi lựa chọn các bệnh viện tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh bởi có đội ngũ y, bác sĩ giỏi, đoán bệnh nhanh, điều trị hiệu quả. Hơn nữa dịch vụ khám, chữa bệnh cũng tốt hơn”, chị Thoại chia sẻ. 

Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS hiện nay đều có suy nghĩ “có bệnh thì phải tìm đến bác sĩ”. Vì vậy, để người dân yên tâm khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới (xã, huyện, tỉnh) thì yêu cầu phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm chương trình chẩn đoán bệnh từ xa. Từ trung tâm điều hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kết nối với 4 điểm cầu gồm: Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Trạm y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà người bệnh mãn tính tại Hà Nội. 

Triển khai chương trình này, các bệnh nhân đã đặt lịch hẹn khám và được các bác sĩ thăm khám trực tuyến. Riêng những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp... Chương trình nhằm góp phần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng người dân vẫn được chăm sóc y tế. 

Có thể thấy rằng, triển khai khám bệnh từ xa cần được tính đến lâu dài, rộng khắp trên cả nước. Với sự phát triển của công nghệ, sự kết nối trực tuyến từ bệnh viện tuyến trên, từ các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu có thể giúp các bệnh viện tuyến dưới ở vùng sâu, vùng xa xử lý được cả những ca phẫu thuật phức tạp. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa còn có thể giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc Website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin…, đặt lịch khám và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị… Chương trình cũng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt rất cần thiết ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS…

Tuy nhiên, việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, rào cản như: Hạn chế trong việc đồng bộ hóa công nghệ số của các bệnh viện tuyến dưới; nhiều bệnh nhân là người già, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm ứng dụng qua điện thoại thông minh và các thiết bị hiện đại… Những rào cản này cần các ngành chức năng có những giải pháp cụ thể để mô hình khám bệnh từ xa sớm đi vào thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục
Bộ Y tế cấp phép cho 3 loại Vaccine mới

Bộ Y tế cấp phép cho 3 loại Vaccine mới

Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại Vaccine, sinh phẩm, trong đó có 3 Vaccine mới lần đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, là Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh Zona thần kinh và Vaccine phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.