Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Phòng khám từ thiện của những thầy thuốc tuổi “thất thập”

Hoàng Quý - 21:10, 05/04/2020

Nhiều năm qua, phòng khám từ thiện của bác sĩ Trương Thị Hội Tố (88 tuổi) và những người đồng nghiệp của mình tại phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) đã trở thành địa chỉ tin cậy được những người cao tuổi, người nghèo khó đến khám bệnh. Mặc dù đã cao tuổi, nhưng các y, bác sĩ tại phòng khám vẫn miệt mài giúp đỡ người bệnh, không kể tháng ngày.

Các y, bác sĩ tại phòng khám lấy thuốc chăm sóc người bệnh.
Các y, bác sĩ tại phòng khám lấy thuốc chăm sóc người bệnh

Sáng thứ Hai nào cũng vậy, ông Đặng Đình La (Giáp Bát) lại đến phòng khám của bác sĩ Tố để theo dõi căn bệnh hen phế quản của mình. Đối với ông La, phòng khám này không chỉ là nơi kiểm tra bệnh tật, mà còn là nơi đem lại niềm vui bên những chén nước, chia sẻ câu chuyện tuổi già.

Ông La chia sẻ: “Mỗi lần đến phòng khám, tôi luôn được các bác sĩ ân cần tư vấn, dành những liều thuốc chuyên về hen phế quản cho tôi. Qua thời gian khám chữa, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm rất nhiều. Tôi mong rằng, các bác sĩ ở đây có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ những người cao tuổi, những người khó khăn như chúng tôi”.

Hay như ông Đỗ Thế Phong (Giáp Bát) cũng thường xuyên đến phòng khám để được điều trị căn bệnh cao huyết áp của mình. Bất cứ ai đến với phòng khám cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các y bác sĩ. Nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng vẫn thích đến phòng khám từ thiện, vì được đón tiếp chu đáo, tư vấn tỉ mỉ về thuốc men và chế độ ăn.

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố chia sẻ: “Phòng khám mở cửa vào thứ Hai hằng tuần để tiếp đón người dân. Mỗi ngày, chúng tôi khám cho 20 đến 30 lượt người. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền cho người dân tập thể dục để nâng cao sức khỏe”.

Được biết, phòng khám được bác sĩ Tố và những người đồng nghiệp của mình thành lập từ năm 1992, đúng vào ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Hiện nay, phòng khám có 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 dược sĩ duy trì công việc với đầy đủ các loại thuốc men chữa các bệnh thông thường như: cảm cúm, tiểu đường, cao huyết áp… Đối với các bệnh nặng, hoặc phòng khám không có máy móc, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tư vấn đến bệnh viện lớn để thăm khám chuyên sâu hơn.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, bác sĩ Tố cho biết, bà vốn là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Sau khi nghỉ hưu, chuyển lên Hà Nội ở cùng con cháu và tham gia công tác xã hội, bà đã nhen nhóm ý định mở một phòng khám từ thiện. Từ đó, bà đã liên hệ những bạn bè, đồng nghiệp cũ của mình trong ngành Y cùng nhau thành lập lên phòng khám từ thiện này. Y tá Lê Thị Sóc (91 tuổi), cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn là một trong những người đã cùng bác sĩ Tố xây dựng phòng khám.

Cảm phục tấm lòng của 2 bà, nhiều y, bác sĩ đã về hưu khác đã cùng đến chung tay giúp đỡ các bà. Được biết, lúc mới thành lập, bác sĩ Tố cùng mọi người đã phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ việc khám chữa bệnh. Dần dần, tiếng lành đồn xa, phòng khám cũng nhận được sự hỗ trợ bằng tiền mặt, thuốc men từ các cá nhân và đơn vị hảo tâm.

Được biết, không chỉ mở phòng khám từ thiện, bác sĩ Tố còn là một người nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Hằng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình, bà Trương Thị Hội Tố đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.

Phòng khám mở cửa vào thứ Hai hằng tuần để tiếp đón người dân. Mỗi ngày, chúng tôi khám cho 20 đến 30 lượt người. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền cho người dân tập thể dục để nâng cao sức khỏe”

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố

Tin cùng chuyên mục
Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Với mong muốn hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào các dân tộc thiểu số có áo ấm trong mùa đông năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên vừa quyết định trao 1.000 áo ấm tặng 1.000 học sinh tại ba trường trong địa bàn hai huyện: Mường Chà và Mường Ảng, thuộc tỉnh Điện Biên.