Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khẩn cấp di dời dân vùng bị sạt lở và ngập úng

An Yên - 06:49, 30/09/2022

Hàng ngàn hộ dân bị ngập úng, hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm… tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương lên phương án di dời dân đến nơi an toàn. Trước diễn biến mưa lũ bất thường, tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, không để bất kỳ người dân nào thiếu đói và thiếu mặc vì mưa lũ.

Di chuyển người dân qua các đoạn bị ngập
Di chuyển người dân qua các đoạn bị ngập

Mưa to đến rất to những ngày qua ở Nghệ An đã khiến nhiều địa phương nơi đây ngập nặng. Trong số nhiều địa phương có nhà cửa người dân bị ngập thì huyện Quỳnh Lưu chiếm số lượng nhiều nhất. Tính đến chiều 29/9 đã có gần 5.600 nhà dân bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu tập trung tại xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, thị trấn Cầu Giát. Trong đó, nặng nề nhất là tại xã Quỳnh Lâm và thị trấn Cầu Giát, có nơi ngập sâu đến 1 m gây chia cắt hoàn toàn. Huyện Quỳnh Lưu đang hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, di dời những hộ bị ngập nặng đến nơi an toàn.

Ông Lại Thế Toàn - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cầu Giát cho biết: Ngoài những hộ ngập sâu đã di chuyển, địa phương tiếp tục kêu gọi các hộ dân khác di chuyển đồ đạc, thậm chí sơ tán người, tuyệt đối không được chủ quan trước tình hình mưa lũ.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, nhắc nhở người dân không được chủ quan với tình hình mưa lũ
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, nhắc nhở người dân không được chủ quan với tình hình mưa lũ

Yên Thành cũng là địa phương có số lượng hộ dân bị ngập lớn. Tính đến chiều 29/9, toàn huyện có gần 800 hộ bị ngập, gây khó khăn và đảo lộn cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đáng chú ý, các vùng thấp trũng như Nhân Thành, Long Thành, Khánh Thành… có nhiều nơi ngập nặng.

Theo tổng hợp từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến chiều 29/9, toàn tỉnh đã có hơn 7.300 hộ dân bị ngập, 2 người chết và 1 người mất tích, 13 nhà dân bị tốc mái, hơn 3.800 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 17.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi… Đáng chú ý, nhiều vị trí trên các tuyến Quốc lộ 7A, 48B, 48D, 48E, 46, 15… bị ngập và sạt lở khiến giao thông tắc nghẽn.

Lực lượng chức năng thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu xuống tận từng nhà để hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc và sơ tán người
Lực lượng chức năng thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu xuống tận từng nhà để hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc và sơ tán người

Chiều ngày 29/9, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đi thị sát những vùng ngập nặng như Quỳnh Lưu, Thanh Chương để nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo địa phương bám nắm địa bàn, theo dõi sát sao tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để ứng phó.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông lưu ý: Các cấp, ngành ở Thanh Chương tiếp tục bám nắm địa bàn, kịp thời triển khai các phương án ứng trực, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Huyện cần phát huy cao nhất các phương án tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều vị trí sạt lở, đe dọa an toàn người dân. Trước mắt, tại huyện Tương Dương và Anh Sơn đã có 25 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Toàn tỉnh cũng đã phải di dời hàng chục hộ dân do ảnh hưởng của ngập úng tại Diễn Châu, Thanh Chương, Tương Dương, Quỳnh Lưu…

Các lực lượng chức năng của thị xã Hoàng Mai hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa hư hại
Các lực lượng chức năng của thị xã Hoàng Mai hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa hư hại

Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trước diễn biến mưa lũ nặng nề hiện nay là bảo đảm an toàn cho người dân. Ngoài việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, di dời tài sản, di dời người dân thì các địa phương phải kiên quyết bảo đảm an toàn cho người dân vùng lũ, không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch do ảnh hưởng của mưa lũ.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh khi kiểm tra công tác đối phó với mưa lũ tại huyện Thanh Chương: Cần phải tăng cường phương tiện cứu nạn cứu hộ, nhất là xuồng để sơ tán Nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại; cắt cử lực lượng trực, cắm các biển báo ở nơi xung yếu, vùng không an toàn. Nếu đêm nay nước ở vùng bị chia cắt, cô lập rút chậm thì huyện phải có phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bà con. Và, huyện Thanh Chương cũng cần đến phương án ứng phó, nếu đêm nay và ngày mai tiếp tục mưa lớn, gắn với xả lũ của thủy điện, nguy cơ nước sông phía hạ lưu Cầu Rộ dâng cao, gây ngập lụt hơn.

Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản
Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản

Tại huyện miền núi Tân Kỳ, mưa lũ cũng làm thiệt hại nặng nề. Ngoài nhiều nhà dân, hoa màu… bị ngập, nhiều vị trí cũng bị sạt lở gây mất an toàn. Sau khi xảy ra sự cố sạt lở núi trên Quốc lộ 48E, đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Hoàn và Tân Long, huyện chỉ đạo địa phương di dời ngay người và tài sản của 5 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cùng đó, thị xã Hoàng Mai đang hỗ trợ dân khắc phục nhà sụt lún.

Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, trước mắt, huyện chỉ đạo xã Tân Long di dời khẩn cấp người và tài sản đối với 5 hộ dân của xóm Tân Long (nằm trong khu vực nguy hiểm) đến nơi ở an toàn. Giao chính quyền hai xã Tân Long và Nghĩa Hoàn lập sào chắn 2 bên điểm sạt lở, bố trí lực lượng túc trực 24/24h, phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông tránh điểm sạt lở một cách an toàn...