Hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
Vùng đất Khánh Hòa là nơi sinh sống lâu đời của người Raglay, Ê Đê, T’rin (nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho)... sinh sống chủ yếu tập trung tại hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và rải rác ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người Raglay, Ê Đê, T’rin đã sản sinh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, tuy nhiên theo xu hướng phát triển, một số di sản văn hóa của đồng bào đang dần mai một.
Ông Cao Văn Nghiệp ở thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh là người truyền dạy cách đánh mã la, trình diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Raglay cho những người trẻ chia sẻ, ông rất lo lắng vì hiện nay, con em đồng bào không còn quan tâm đến văn hóa truyền thống của cha ông.
Ông Nghiệp chia sẻ, thực hiện Chương trình MTQG, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Khánh Hòa vừa trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. "Khi Đề án được phê duyệt, với việc ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống, sẽ giúp cho đồng bào có sự phát triển toàn diện và lưu giữ lại được nền văn hóa của cha ông là một điều rất đáng mừng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy lại cho thế hệ mai sau".
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT cho biết: Thực tế trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cấp ngành quan tâm thực hiện. Tỉnh cũng đã có một số đề án, dự án nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào, như: Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglay; Đề án sưu tầm các di sản văn hóa truyền thống 3 dân tộc Raglay, Ê Đê, T’rin; Kế hoạch kiểm kê trang phục truyền thống của đồng bào RaglaY, Ê đê, T’rin…
Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, như: Ngày văn hóa các dân tộc, Liên hoan các làng văn hóa, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa, hội diễn nghệ thuật quần chúng... thu hút sự tham gia tích cực của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, các đề án, dự án chỉ dừng lại ở mức độ đơn lẻ, mang tính chuyên đề, mà thiếu đi sự đồng bộ, đồng nhất.
Để di sản văn hóa sống trong cộng đồng
Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG). Trong đó, Dự án số 6 trong chương trình, là thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, Sở VHTT đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của tỉnh trong 5 năm tới. Dự án xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương khi triển khai Dự án, với 17 nhóm nội dung toàn diện, đồng bộ.
Theo ông Lê Văn Hoa, sắp tới, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương sẽ triển khai tổng kiểm kê, lập danh mục tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, sưu tầm tư liệu, hiện vật; tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ 30 nghệ nhân người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương, sẽ xây dựng 40 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào DTTS và miền núi…Mỗi nội dung thực hiện đều yêu cầu phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể và có tác động lâu dài và sống mãi trong đời sống cộng đồng dân cư...