Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo tồn văn hóa truyền thống - Tam giác gắn kết cộng đồng

Duy Ly (theo diasporafordevelopment) - 19:35, 24/10/2021

Mặc dù ở các quốc đảo dân số tương đối nhỏ trong khu vực Thái Binh Dương (TBD), nhưng lại có rất đông cộng đồng cư dân sinh sống ở nước ngoài. Những cộng đồng người hải ngoại ở các đảo này, không chỉ đóng góp đáng kể vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế địa phương, mà còn tích cực tham gia vào việc bảo tồn các di sản văn hóa của họ tại các quốc gia mà họ định cư.

Văn hóa Thái Bình Dương trong cộng đồng người hải ngoại luôn được đề cao, bảo tồn và phát triển
Văn hóa Thái Bình Dương trong cộng đồng người hải ngoại luôn được đề cao, bảo tồn và phát triển

Các ước tính gần đây cho thấy, có hơn 1/2 người Tongans, người Samoa và gần 1/3 người Tuvalu sống và làm việc ở nước ngoài. Những người này có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế địa phương, cũng như quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Chính sự quan tâm đến bản sắc văn hóa này, mà chính phủ các quốc đảo này đang nỗ lực đưa những cộng đồng người hải ngoại này vào thể chế chính sách của họ để cộng tác và phối hợp.

Văn hóa Thái Bình Dương trong cộng đồng người hải ngoại

Ngôn ngữ, âm nhạc, khiêu vũ truyền thống cũng như ẩm thực và thực hành tôn giáo luôn được cộng đồng người hải ngoại TBD tôn vinh như những yếu tố cốt lõi của di sản văn hóa. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là số lượng ngày một tăng của các sự kiện, lễ hội dành cho việc quảng bá văn hóa và di sản TBD ở các quốc gia nơi có đông cộng đồng người hải ngoại TBD ở Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Ở New Zealand, nơi có cộng đồng cư dân lớn từ Samoa, Tonga và quần đảo Cook, có đến 25 lễ hội truyền thống địa phương TBD được tổ chức mỗi năm. Một ví dụ điển hình đó là, Lễ hội Pasifika với sự tham gia của rất đông cộng đồng người hải ngoại, người dân địa phương, chính quyền địa phương New Zealand và chính quyền của một số quốc gia TBD. Sự kiện quy tụ cộng đồng từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ TBD, để giới thiệu nền văn hóa của họ thông qua các hoạt động bao gồm: Làm và trưng bày các sản phẩm thủ công, thưởng thức ẩm thực và biểu diễn các điệu nhảy truyền thống...

Tuy nhiên, việc bảo tồn văn hóa không chỉ giới hạn ở những buổi lễ kỷ niệm trực tiếp. Các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội cũng được cộng đồng người hải ngoại TBD sử dụng rộng rãi để bảo tồn bản sắc văn hóa. Tại Vương quốc Anh, vào năm 2019, cộng đồng người Fiji đã khởi động chiến dịch “Học hỏi cội nguồn của tôi” trên social media (phương tiện truyền thông xã hội) để quảng bá ngôn ngữ Fiji. Tại Úc, các trung tâm văn hóa TBD đã bắt đầu cung cấp các lớp học trực tuyến cho phép sinh viên học các điệu múa truyền thống, do những hạn chế tiếp xúc bởi đại dịch COVID-19.

Chính phủ với di sản văn hóa

Những mong muốn, cũng như những hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng người hải ngoại gần đây, đã có tác động trực tiếp đến các “Khung sáng kiến vì cộng đồng”, do chính phủ các nước có người hải ngoại sinh sống đặt ra.

Chính phủ New Zealand có một cơ quan chuyên môn, đó là Bộ Vì người dân TBD, làm nhiệm vụ kết nối cộng đồng người TBD trong nước. Bộ này đã thành lập một quỹ cộng đồng để hỗ trợ việc học ngoại ngữ TBD. Riêng trong năm 2020, đã có 9 “Tuần lễ ngôn ngữ TBD chính thức” được tổ chức, với nhiều hoạt động khác nhau và đa dạng về hình thức như: Xuất bản thẻ ngôn ngữ TBD; tổ chức hội thảo trực tuyến và các sự kiện công cộng ở các trường trung học và đại học trên khắp New Zealand.

Ví như, tuần lễ ngôn ngữ Kiribati,là một trong những tuần lễ ngôn ngữ có nhiều người tham gia nhất, với chủ đề “Ribanan te Taetae ni Kiribati e Kateimatoa ara Katei ao Kinakira” có nghĩa là “Nuôi dưỡng ngôn ngữ Kiribati thúc đẩy bản sắc và di sản văn hóa của chúng ta”.

Vấn đề bảo tồn văn hóa của cộng đồng người hải ngoại ở Cộng hòa Fiji rất được chính phủ quan tâm
Vấn đề bảo tồn văn hóa của cộng đồng người hải ngoại ở Cộng hòa Fiji rất được chính phủ quan tâm

Tại Fiji (Cộng hòa Fiji, một quốc đảo tại châu Đại dương), chính phủ mới đây đã có những “bước đi” cụ thể để cung cấp các công cụ giúp cộng đồng người hải ngoại của mình duy trì kết nối văn hóa. Một trong số đó là ứng dụng iVolavosa - từ điển di động cho iTaukei (một trong những ngôn ngữ chính thức của Fiji), nhằm khuyến khích cộng đồng người hải ngoại học ngôn ngữ mẹ đẻ dù ở bất cứ nơi đâu.

 Còn tại Tonga (Vương quốc Tonga, phía nam TBD), vấn đề bảo tồn văn hóa của đất nước trong cộng đồng người hải ngoại, là trọng tâm của các hoạt động đối thoại cộng đồng, được tổ chức tại các cơ quan đại diện lãnh sự của Tonga ở nước ngoài.

Tam giác bền vững

Cộng đồng người hải ngoại, luôn có đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế quê nhà, với các khoản tiền gửi về cho người thân và sự đầu tư của họ vào các lĩnh vực quan trọng của quốc gia như ngành du lịch. Trong những thập kỷ qua, cộng đồng người TBD cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, với các nỗ lực cứu trợ và phục hồi sau thiên tai tại quê hương mình, nơi thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai do biến đổi khí hậu.

Sự quan tâm của cộng đồng người TBD trong việc duy trì di sản văn hóa, và những nỗ lực của hai bên quốc gia (quê hương của cộng đồng người TBD và đất nước họ đang định cư), là một dấu hiệu cho thấy, việc khuyến khích cách tiếp cận theo tam giác cân bằng giữa các tác nhân này có thể đem lại những lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Mô hình này cũng đã được áp dụng thành công ở khu vực Trung Á, nơi bảo tồn văn hóa gắn liền với sự tham gia của cộng đồng người hải ngoại.

Tin cùng chuyên mục
Bất chấp quy định pháp luật, nhiều người dân vùng cao vẫn trồng cây thuốc phiện

Bất chấp quy định pháp luật, nhiều người dân vùng cao vẫn trồng cây thuốc phiện

Thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La....liên tục phát hiện nhiều trường hợp người dân trồng trái phép hàng chục nghìn cây thuốc phiện trên địa bàn. Có đối tượng còn bất chấp pháp luật ngang nhiên trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà ở ngay khu phố thị.