Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khánh Hòa: Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

PV - 10:26, 12/03/2019

Hiện nay, trong tỉnh Khánh Hòa, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng đột biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, có rất nhiều người dân vẫn chủ quan lơ là với việc phòng chống dịch bệnh…

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đi kiểm tra công tác phòng ngừa dịch SXH ở các địa phương có dịch. Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đi kiểm tra công tác phòng ngừa dịch SXH ở các địa phương có dịch.

Con số đáng báo động

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3.668 ca mắc SXH, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh là 3 địa phương có số mắc mới cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2019.

Có thể nói, dịch SXH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc bệnh tăng đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, các địa phương cũng đã tiến hành phun hóa chất xử lý muỗi ở các xã, phường trọng điểm có số mắc cao; xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh; triển khai diệt loăng quăng ở các hộ gia đình theo kế hoạch và tình hình thực tế… nhưng SXH không giảm mà đang diễn biến phức tạp hơn.

Người dân và chính quyền đều chủ quan

Theo lãnh đạo ở một số địa phương, công tác phòng, chống SXH hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển; cán bộ y tế thôn bản mỏng; kinh phí hỗ trợ diệt loăng quăng thấp; người dân còn thờ ơ với phòng bệnh SXH, vẫn quen trữ nước sinh hoạt tạo môi trường cho muỗi có nơi sinh sản, chưa tích cực tham gia diệt loăng quăng…

Khi được hỏi về việc phòng chống dịch SXH tại gia đình, ông Đặng Thanh Vinh, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm-một trong những địa phương đang có dịch SXH rất vô tư cho biết: “Sống ở nông thôn thì phải trữ nước bằng chum, vại. Nhà tôi bao nhiêu năm nay vẫn đựng nước sinh hoạt trong chum còn loăng quăng, bọ gậy thì ở ngoài đồng ruộng, cống rãnh nước ẩn chứ ở đây làm gì có”.

Bác sĩ Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho hay: Ngoài ý thức của người dân còn chủ quan, thì các địa phương xử lý ổ dịch chưa hiệu quả; xử lý loăng quăng các vùng theo tuần, tháng chưa quyết liệt và cụ thể…

Cán bộ hướng dẫn người dân diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng ngừa dịch sốt xuất huyết. Cán bộ hướng dẫn người dân diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng ngừa dịch sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả; nhiều người dân vẫn còn cho rằng, muỗi truyền bệnh SXH chỉ sinh sản ở các cống rãnh, nơi nước bẩn tù đọng. Điều này là hoàn toàn sai, vì muỗi vằn chỉ sinh sống ở những nơi nước sạch.

“Địa phương nào để xảy ra dịch, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”

Được biết, trước thực tế này, mới đây, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Tại các nơi Đoàn đi kiểm tra đều cho thấy, chỉ số muỗi, số dụng cụ chứa nước có loăng quăng rất cao, vượt gấp nhiều lần ngưỡng quy định.

Từ thực tế kiểm tra, ông Nguyễn Đắc Tài đã chỉ đạo, các địa phương phải xem công tác phòng, chống SXH nói riêng và chống dịch bệnh nói chung là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm không được khoán trắng cho ngành Y tế. Mục tiêu cao nhất mà các địa phương phải làm được là ngăn chặn số ca mắc, không để bùng phát thành dịch.

“Chủ tịch và bí thư các xã, phường phải chịu trách nhiệm về công tác này. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể phải huy động toàn bộ lực lượng tham gia. Đồng thời, cần thay đổi công tác truyền thông theo hướng để người dân hiểu, tự giác phối hợp và nhận thức được diệt loăng quăng là cái gốc của công tác phòng, chống dịch SXH”… ông Tài nhấn mạnh.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.