Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Khánh Hòa: Kiểm tra, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan vụ phá rừng Suối Tân

Lê Phương – Thanh Hòa - 10:51, 23/03/2021

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành văn bản số 1345/ UBND –KT chỉ đạo, UBND huyện Cam Lâm phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm điểm, xử lý tình trạng phá rừng ở xã Suối Tân. UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ trực thuộc và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Khánh Hòa trước ngày 31/3/2021.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng Suối Tân
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng Suối Tân

Báo Dân tộc và Phát triển, số ra ngày 09/03 đăng tải bài viết: "Rừng Suối Tân bị tàn phá, chính quyền “ngó lơ”. Bài báo phản ánh về tình trạng rừng ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị tàn phá, với diện tích lớn nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn. 

Tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, mới đây, Phó Chủ UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu đã có văn bản chỉ đạo. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, UBND huyện Cam Lâm tiếp tục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, chấn chỉnh việc thực hiện công tác bảo vệ rừng của UBND xã Suối Tân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, UBND huyện Cam Lâm chủ động làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát trách nhiệm của địa phương và Hạt Kiểm lâm Cam Lâm trong công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, yêu cầu địa phương không để tình trạng phá rừng trái pháp luật tái diễn trên địa bàn; kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các cán bộ trực thuộc trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng trên.

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 17/3/2021, UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm gồm, công an, viện kiểm sát, kiểm lâm phối hợp với các lực lượng của xã Suối Tân đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 231- núi Đá Hang, xã Suối Tân.

Tại hiện trường vụ phá rừng Suối Tân, ông Trần Danh Cảnh, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cho biết: Các lực lượng tham gia khám nghiệm tiến hành đo độ cao, đường kính cây rừng bị chặt phá, xác định mật độ che phủ và tán rừng, đồng thời xác định đối tượng phá rừng để làm cơ sở có khởi tố vụ án hay không.

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân huyện Cam Lâm đề nghị, lực lượng kiểm lâm đếm cả số lượng cây nhỏ chứ không chỉ thống kê những cây lớn. Hiện trường vụ phá rừng vẫn được giữ nguyên. 

Theo quan sát của phóng viên, kề ngay khu vực rừng vừa bị chặt phá là các hầm than được đốt bằng cây gỗ của tiểu khu 231. Ngoài khu vực rừng mới bị phá còn có nhiều cánh rừng xung quanh diện tích rất lớn, với dày đặc các gốc cây gỗ rừng tự nhiên đã bị phá cách đây vài năm, xen kẽ là rẫy chuối, bầu bí đã mọc lên.

Trả lời phóng viên ngay tại hiện trường, bà Lê Thị Chiên, công chức địa chính xã Suối Tân cho biết: Trước đây nơi này, được đo đạc bằng phương pháp chụp từ trên cao toàn bộ một khu vực rộng lớn nên khó xác định đây là loại rừng gì. Khu vực này chưa giải thửa nên khó xác định được ranh giới đâu là đất của người dân, doanh nghiệp. 

Còn về những khu rẫy rất lớn tại đây, lởm chởm gốc cây rừng còn hiện hữu trên đất thì bà Chiên cho biết, đó là đất của người dân làm từ trước rồi. Họ mua bán, chuyển nhượng không có giấy tờ, mua bằng miệng.

Nhiều diện tích rừng ở Tiểu khu 231, xã Suối Tân bị tàn phá
Nhiều diện tích rừng ở Tiểu khu 231, xã Suối Tân bị tàn phá

Trong khi đó, ông Hoàng Trung Sĩ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm thừa nhận: Để xảy ra việc phá rừng này trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là UBND xã Suối Tân. Kiểm lâm địa bàn cũng liên đới trách nhiệm vì chưa kịp thời báo cáo, tham mưu cho Hạt kiểm lâm huyện Cam Lâm can thiệp, ngăn chặn việc phá rừng. 

Trước tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường nghiêm trọng nói trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1488/VPCP –NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng ở xã Suối Tân.

Theo ông Sĩ, trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm đã có liên tiếp 2 văn bản gửi UBND xã Suối Tân đề nghị ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa phương này. Thế nhưng, UBND xã Suối Tân vẫn cứ dây dưa, không xử lý dứt điểm. 

“Mới đây, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với xã Suối Tân  tiến hành kiểm tra vụ phá rừng ở Tiểu khu 231 – núi Đá Hang mà báo chí phản ánh. Kết quả có hơn 7.307 m2 rừng DT 2 (rừng cây gỗ tái sinh) tại lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 231 – núi Đá Hang, xã Suối Tân bị đốn hạ, lấn chiếm đất. Trong đó, theo thống kê có 628 cây rừng bị đốn hạ, đường kính trung bình 13,6 cm, cây lớn nhất có đường kính là 36 cm, cây nhỏ nhất đường kính 9 cm”, ông Hoàng Trung Sĩ cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Cam Lâm cho biết: UBND huyện đã tổ chức cuộc họp triển khai xử lý tình trạng phá rừng ở Suối Tân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, tại thông báo kết luận số 54/TB-UBND Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Lê Phạm Thùy Ngân đã phê bình UBND xã Suối Tân đã thiếu trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng xâm phạm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép tại Tiểu khu 231 xã Suối Tân.