Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khánh Hòa: Loay hoay tìm “danh phận” cho cây tỏi

PV - 15:05, 19/10/2018

Cây tỏi đã có hơn 20 năm bén duyên với đất Khánh Hòa, với diện tích trồng tỏi thuộc diện lớn nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay, tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có “danh phận” riêng. Do vậy, dù chất lượng tỏi tốt nhưng giá thành thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

Vùng trồng tỏi nhiều nhất cả nước

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Khánh Hòa, cây tỏi đang được trồng nhiều ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, với tổng diện tích hơn 500ha và theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích tỏi sẽ tăng lên 600ha.

Người dân Vạn Ninh đang thu hoạch tỏi. Người dân Vạn Ninh đang thu hoạch tỏi.

Về nguồn gốc, tỏi Khánh Hòa chính là giống tỏi được một số người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang về đây để trồng. Người đầu tiên trồng tỏi Lý Sơn trên đất Khánh Hòa, là ông Võ Ái Nhân vốn quê gốc ở Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ông Nhân kể, một lần vào Ninh Phước, tỉnh Khánh Hòa thăm người thân, tình cờ ông phát hiện một vùng cát vôi rộng lớn. Sau đó, ông mang 25kg tỏi giống từ Lý Sơn vào trồng thử trên 300m2 đất của người bà con. Không ngờ cây tỏi thích ứng tốt, phát triển rất nhanh, đến mùa thu hoạch, ông thu được 300kg tỏi thương phẩm.

Sau thành công ban đầu, ông Nhân đưa gia đình từ đảo Bé, Lý Sơn vào lập nghiệp ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước. Gia đình ông Nhân mua 1,2ha đất để trồng tỏi Lý Sơn. Khởi nghiệp với 1,2ha đất trồng, đến nay giống tỏi Lý Sơn năm nào đã lan rộng toàn bán đảo Hòn Khói và khu vực vịnh Vân Phong với hơn bốn vạn dân, làm thay đổi cuộc sống hàng vạn dân chài trước chỉ biết mưu sinh bám biển. Hiện nay, ngoài hơn 1,2ha ruộng tỏi ở Ninh Yển, gia đình ông Sáu Nhân còn trồng khoảng 10ha tỏi ở xã Ninh An và xã Ninh Sơn (Ninh Hòa).

Hay tin cây tỏi trồng được trên đất liền, một số hộ dân cũng theo ông Nhân vào định cư tại vùng đất mới để trồng tỏi. Đến nay, đã có hơn 150 hộ gốc là người dân Lý Sơn trồng tỏi ở Khánh Hòa. Thấy trồng tỏi có thu nhập cao nên nhiều người trong vùng cũng trồng và hình thành nên một vùng trồng tỏi từ Vạn Giã đến Ninh Vân, Vạn Hưng, Đầm Môn, Bãi Giếng, Hòn Tre, Hòn Lớn... (Vạn Ninh).

Cũng như tỏi Lý Sơn, tỏi Khánh Hòa có màu trắng, tép nhỏ và chắc, thơm và cay dịu, chất lượng một chín một mười so với tỏi Lý Sơn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bí quyết là người trồng tỏi phun nước biển có pha phân u-rê lên lá tỏi, khi tỏi đang lên ngồng để làm củ. Xét về mọi yếu tố, từ diện tích, sản lượng cho đến chất lượng sản phẩm, hầu hết người trồng tỏi cũng như người sử dụng và các nhà chuyên môn trong lĩnh vực cây trồng đều khẳng định, chất lượng tỏi Khánh Hòa không thua kém bất cứ loại tỏi nào.

Thua thiệt về thương hiệu

Là cây trồng có khả năng mang lãi ròng về cho nông dân từ 100 đến 300 triệu đồng/ha/năm, nhưng cây tỏi Khánh Hòa vẫn khá bấp bênh về giá cả. Không chỉ đầu ra phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái, tỏi Khánh Hòa còn bị thương lái thay đổi tên họ thành tỏi Lý Sơn để có thương hiệu bán được giá cao, một người trồng tỏi ở xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) cho hay: Cứ vào vụ thu hoạch tỏi, thương lái ở Quảng Ngãi vào Khánh Hòa thu mua và người dân đảo Lý Sơn đang sinh sống ở đây cũng làm “trạm” thu gom tỏi. Họ chở từng xe tải ra ngoài đó gắn mác thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Việc xây dựng thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa là mong mỏi của tất cả những người dân trồng tỏi và của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập khiến cho tỏi Khánh Hòa chưa được “đặt tên”. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Khánh Hòa, trước đây, một số mô hình VietGAP khi mới hình thành đạt kết quả rất tốt, nhưng dần dần, người dân lấy các sản phẩm có chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc trà trộn vào, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

“Trong thời gian tới, một mặt chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều mô hình, đa dạng sản phẩm, giúp người dân thực hiện nhiều mô hình VietGAP hơn; mặt khác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đưa sản phẩm tỏi có được kênh phân phối chính thống hơn”, ông Việt cho biết thêm.

Một vấn đề nữa, nếu xây dựng thương hiệu thì cây tỏi Khánh Hòa sẽ mang tên gọi gì? Hiện các địa phương trồng tỏi vẫn chưa thống nhất tên gọi. Theo Sở Khoa học Công nghệ Khánh Hòa, diện tích trồng tỏi tập trung nằm ở xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) với khoảng 280ha; số còn lại trồng ở Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An (Ninh Hòa). Vì trồng ở nhiều địa phương nên nếu xây dựng thương hiệu “tỏi Khánh Hòa”, phải xác định được đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho thương hiệu này.

Ngoài ra, đất trồng tỏi hiện nay cũng đang vướng phải quy hoạch đất đô thị, đất ở nên ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô sản xuất. Chính vì những khó khăn trên, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi được trồng ở Khánh Hòa vẫn tiếp tục phải đợi. Được biết, hiện các cơ quan chức năng và 2 địa phương là Ninh Hòa và Vạn Ninh đang trong quá trình bàn bạc, thảo luận để tiến hành xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa. Thiết nghĩ việc làm này cần được thúc đẩy sớm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.