Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khánh Hòa: Những cánh rừng không bình yên

PV - 09:13, 14/09/2018

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục xảy ra các vụ phá rừng. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 197 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các lực lượng đã tiến hành xử lý 136 vụ vi phạm, tịch thu 360,056m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,32 tỷ đồng.

Nhiều khu rừng đối diện với nguy cơ bị xóa sổ

Đơn cử như tại huyện Khánh Vĩnh, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 33 vụ vi phạm, tiến hành xử lý 28 vụ, tịch thu hơn 53,53m3 gỗ các loại, nộp ngân sách Nhà nước 121 triệu đồng. Ông Nguyễn Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Khánh Vĩnh hiện có hơn 106.233ha rừng và đất lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra. Không chỉ phá rừng để lấy gỗ, các đối tượng còn phá rừng để khai thác khoáng sản”.

Gỗ khai thác trái phép bị các cơ quan chức năng thu giữ. Gỗ khai thác trái phép bị các cơ quan chức năng thu giữ.

Tại thị xã Ninh Hòa, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đang “nóng” lên ở khu vực thượng nguồn hồ thủy điện Ea Krongrou, đặc biệt là khu rừng căm xe Ninh Tây, hàng ngày vẫn đang bị rút ruột. Tổng diện tích rừng căm xe rộng hơn 420ha, là quần thể căm xe hiếm có còn tồn tại duy nhất trong cả nước, nhưng việc quản lý lỏng lẻo khiến cho khu rừng này ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ.

Ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho hay, việc quản lý, bảo vệ rừng căm xe hiện nay rất khó, thậm chí cực kỳ khó bởi quân số mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, thẩm quyền xử phạt không có. Không chỉ vậy, nương rẫy của người đồng bào DTTS đan xen với rừng hình thành nên các mảng “da beo, da báo” dẫn tới càng khó quản lý rừng.

Còn theo ông Trần Ngọc Dục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, nguyên nhân chủ yếu được xác định, là do hoạt động quản lý của các chủ rừng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu đất canh tác nên người dân địa phương đã lấn, chiếm đất rừng; chuyển hóa từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp một cách tự phát…”.

Tương tự, những cánh rừng tại huyện Vạn Ninh đang đứng trước những đe dọa nghiêm trọng về nạn khai thác gỗ trái phép. Cao điểm có đến hàng trăm người vào rừng thượng nguồn Dốc Mỏ-Suối Hương khai thác, vận chuyển gỗ trái phép bằng xe gắn máy.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn chủ yếu giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh quản lý, nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng ít, trong khi các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả khi bị bắt giữ. Đã có nhiều trường hợp cán bộ quản lý, bảo vệ rừng bị lâm tặc tấn công.

Giải pháp nào để bảo vệ rừng?

Qua khảo sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị, các địa phương cần nghiên cứu mô hình phù hợp để người dân tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát huy vai trò của kiểm lâm địa bàn trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, tránh để dây dưa kéo dài.

Bên cạnh đó, kết hợp công tác quản lý, bảo vệ rừng với việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong vùng đồng bào DTTS để hạn chế tình trạng người dân vào rừng khai thác lâm sản…

Từ thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cũng đề nghị: Phải có hình phạt thích đáng đối với các đối tượng phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Khi đã vượt qua mức độ xử lý vi phạm hành chính, phải khởi tố một vài trường hợp điển hình; đưa về địa phương xử lý nhằm răn đe đối tượng khác.

“Đặc biệt, cần tăng cường quyền hạn cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng; bổ sung quy định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho bảo vệ rừng chuyên trách và cần có chính sách hỗ trợ riêng để họ yên tâm công tác”, ông Hà đề xuất thêm.n

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.