Cụ thể, việc phục dựng các nghi lễ của đồng bào các dân tộc Raglai, Ê Đê được tiến hành từ năm 2021 đến nay, với các nội dung như: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn lễ hội; Thuê chuyên gia nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ bảo tồn lễ hội; Đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế phần mềm công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm lễ hội; Mở các lớp tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội; Tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội; thực hiện ghi hình, quay phim về lễ hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá…
Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa thực hiện phục dựng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn. Năm 2023, tiến hành phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2024, phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn; phục dựng Lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2025, sẽ triển khai các hoạt động phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa khẳng định, việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS trong tỉnh nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, thu hút du khách được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.