Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Khánh Hòa: Tăng cường phát huy vai trò “cầu nối” của Người có uy tín trong thực hiện chính sách dân tộc

Mai Hương - 20:36, 18/11/2022

Thời gian qua, bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở tỉnh Khánh Hòa luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối quả Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời là ‘cầu nối” chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.

Chế độ cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín được tỉnh Khánh Hòa chú trọng triển khai.
Việc cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín luôn được tỉnh Khánh Hòa chú trọng triển khai.

Người uy tín phát huy vai trò “đầu tàu” 

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 88 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó, Người có uy tín là dân tộc Raglay có 74 người, dân tộc Ê Đê có 7 người, dân tộc Co Ho (nhóm Trin) có 5 người, dân tộc Nùng có 1 người, dân tộc Kinh có 1 người; 48/88 Người có uy tín là đảng viên.

Theo ông Võ Nam Thắng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh, là những nhân tố tích cực, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Người có uy tín có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và sản xuất, có ý thức trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, được cộng đồng trong thôn tín nhiệm, bình chọn.

Đơn cử như tại xã Ba Cụm Bắc, huyện miền núi Khánh Sơn, nhiều năm nay, bà Tro Thị Kẽm, sinh năm 1957, dân tộc Raglai, luôn là “đầu tàu” trong tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới. Từng công tác ở Hội Phụ nữ xã nhiều năm, nên bà Kẽm thấu hiểu hoàn cảnh của chị em phụ nữ; nhà nào có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đau ốm bệnh tật, bà đều kịp thời nắm được thông tin và thăm hỏi, kêu gọi giúp đỡ kịp thời.

Đặc biệt, để phòng chống tảo hôn, trẻ em bỏ học giữa chừng, bà Kẽm cùng đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín khác trên địa bàn xã, đã chủ động đến từng nhà có con gái, con trai đang tuổi dậy thì hoặc những cháu học sinh bỏ học để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, tình trạng trẻ vị thành niên tảo hôn ở Ba Cụm Bắc đã giảm hẳn so với 10 năm trước đây. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Ba Cụm Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào tảo hôn.

“Các cháu cũng trên 16 tuổi nên việc tuyên truyền, vận động các cháu hiểu về hậu quả của tảo hôn khá khó khăn. Nhiều cháu gái vẫn chưa hiểu hết về việc làm mẹ lúc còn nhỏ tuổi... Chúng tôi chuyển hướng vận động phụ huynh của các cháu”, bà Kẽm chia sẻ.

Phần lớn Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh Khánh Hòa tuổi đã cao (trong 88 Người có uy tín của tỉnh hiện có 57 người trên 60 tuổi; lớn nhất là 83 tuổi, trẻ nhất là 37 tuổi).
Phần lớn Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh Khánh Hòa tuổi đã cao (trong 88 Người có uy tín của tỉnh hiện có 57 người trên 60 tuổi; lớn nhất là 83 tuổi, trẻ nhất là 37 tuổi).

Bà Tro Thị Kẽm là một trong những “đầu tàu”, bằng uy tín, sự hiểu biết và lòng nhiệt huyết của mình đã và đang cống hiến cho sự phát triển chung ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Khánh Hòa. 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, đội ngũ Người có uy tín không chỉ đóng góp vai trò tích cực trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS; đặc biệt là tuyên truyền các chính sách dân tộc mà đồng bào được thụ hưởng.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín là nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều Người có uy tín là tấm gương đi đầu trong việc khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tạo ra những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo ở địa phương.

Động viên kịp thời

Theo ông Võ Nam Thắng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, ghi nhận những đóng góp của Người uy tín trong 10 năm qua (2011- 2021), UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 12 Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa gặp mặt Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.
Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa gặp mặt Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.

Ngoài ra, những Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS còn được cấp huyện, cấp xã khen nhân dịp sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua tại địa phương. Mới đây nhất, 88 Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2022, được tổ chức hôm 26/10 vừa qua.

Để kịp thời động viên, khích lệ, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức 2 chuyến tham quan (một chuyến nội tỉnh, một chuyến ngoại tỉnh) để 92 Người có uy tín được đi giao lưu học tập. Trước đó, trong 10 năm (2011-2021), toàn tỉnh đã tổ chức 20 chuyến tham quan (7 chuyến do cấp tỉnh tổ chức và 13 chuyến do cấp huyện tổ chức) cho 440 lượt Người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn.

“Hàng năm, tỉnh và các huyện đều tổ chức thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức đón tiếp Đoàn Người có uy tín của các tỉnh bạn đến thăm, giao lưu với tỉnh Khánh Hoà… Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho 1.103 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm; thăm hỏi, tặng quà cho 14 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết của đồng bào DTTS; thăm hỏi, động viên 62 lượt Người có uy tín bị ốm đau; 23 gia đình Người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn; thăm viếng 8 trường hợp Người có uy tín và thân nhân Người có uy tín qua đời; hỗ trợ 22 Người có uy tín gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Thắng cho biết.

Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa gặp mặt, tặng quà và trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.
Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa gặp mặt, tặng quà và trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.

Cùng với hỗ trợ, động viên kịp thời, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đầy đủ chế độ cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong 10 năm (2011- 2021), Ban Dân tộc và UBND cấp huyện đã tổ chức 15 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho 338 lượt Người có uy tín; mở 32 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cho 975 lượt người tham gia; 100% người có uy tín được cấp Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Khánh Hoà.

“Được hỗ trợ, động viên kịp thời, đội ngũ Người có uy tín trong tỉnh đã phát huy được vị trí, vai trò của mình. Người ó uy tín trong đồng bào DTTS đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; thực sự là lực lượng nòng cốt trong vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực, đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương”, ông Thắng khẳng định.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS của thị xã Ninh Hòa.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp để sớm tháo gỡ một số hạn chế lâu nay để tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Một trong những hạn chế nội tại, là phần lớn Người có uy tín tuổi đã cao (trong 88 Người có uy tín của tỉnh hiện có 57 người trên 60 tuổi; lớn nhất là 83 tuổi, trẻ nhất là 37 tuổi). Điều này khiến cách tiếp cận thông tin của Người uy tín còn chậm, việc am hiểu pháp luật còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và việc tham gia các hoạt động chung của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

“Hơn nữa, Người có uy tín thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền, hoà giải, địa bàn chủ yếu ở vùng núi, địa hình khó khăn nhưng không được hỗ trợ chi phí hoạt động. Đây là một khó khăn đối với Người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, rất cần có sự điều chỉnh, bổ sung về chính sách để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS”, ông Thắng mong muốn.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 35 DTTS đang sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Raglai. Những năm qua, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt, kết cấu hạ tầng được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 28,9%.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.