Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Khánh Hòa: Tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn chưa có hồi kết

Thành Nhân - 08:24, 21/07/2022

Thời gian qua, cùng với tình trạng sốt đất ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân là do đồng bào ở miền núi thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo phá rừng. Tình trạng này kéo dài, dai dẳng nhiều năm, các ngành chức năng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết hiệu quả.

Một vụ phá rừng gần đây ở Khánh Hòa được các cơ quan chức năng phát hiện
Một vụ phá rừng gần đây ở Khánh Hòa được các cơ quan chức năng phát hiện

Lấn chiếm đất rừng xảy ra ở nhiều nơi

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lấn chiếm đất rừng ở các địa phương miền núi là do cơn sốt mua bán, sang nhượng đất rừng để lập vườn. Đơn cử như tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa cách đây 2-3 năm, 1ha đất rừng căm xe, được giao dịch với giá hơn 100 triệu đồng, thì nay lên đến 300-400 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Trong cơn sốt đất, rất nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS đã bán đất canh tác của mình, rồi quay sang lấn chiếm đất rừng để sản xuất.

Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho hay, trong năm 2021, BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã lập biên bản, chuyển hồ sơ cho UBND xã Ninh Tây, tiếp tục xử lý 48 vụ lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây, với tổng diện tích vi phạm gần 14ha.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây được các đối tượng tổ chức rất bài bản, theo kiểu lâm tặc đi trước cưa hạ cây, lấy gỗ, một số đối tượng khác vào phát dọn, đốt để chiếm đất, nếu không có nhu cầu sản xuất thì bán đất. Từ đầu năm đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 13 vụ lấn chiếm đất rừng căm xe trái pháp luật, với tổng diện tích bị lấn chiếm gần 2,3ha.

Một vụ phá rừng thuộc diện tích quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa
Một vụ phá rừng thuộc diện tích quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa

Lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng liên tục đặt trong tình trạng báo động. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tất cả đều xảy ra trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Trong đó, 5 vụ phá rừng, với tổng diện tích thiệt hại hơn 4,78ha; 19 vụ ken, hủy hoại tổng cộng 385 cây thông; 8 vụ lấn chiếm đất rừng, với tổng diện tích 2,47ha.

Tương tự, lâm phận của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, đứng chân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, cũng thường xuyên bị các đối tượng lấn chiếm, không chỉ đất rừng sản xuất sau khai thác mà nhiều diện tích rừng tự nhiên cũng bị lấn chiếm.

Ông Lê Xuân Lý, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, chiếm đất rừng trồng để làm nương rẫy trên lâm phần công ty quản lý, diễn biến rất phức tạp. 6 tháng đầu năm nay, các đội bảo vệ rừng của công ty đã lập 14 biên bản liên quan đến phá rừng trồng để lấn chiếm đất, với tổng diện tích hơn 4ha; lập 14 biên bản liên quan đến phá rừng tự nhiên trái pháp luật, với tổng diện tích 3,1ha.

Nhiều diện tích rừng ở Khánh Hòa bị người dân cạo trọc để lấy đất sản xuất
Nhiều diện tích rừng ở Khánh Hòa bị người dân cạo trọc để lấy đất sản xuất

Cần có biện pháp hiệu quả để bảo vệ rừng

Qua trao đổi với các đơn vị chủ rừng, để bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, các đơn vị đã củng cố lại lực lượng, hợp đồng thêm nhân lực tuần tra, bảo vệ rừng; tổ chức thêm các chốt chặn ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ lấn chiếm cao; phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm. Như, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, đã tổ chức thêm 9 chốt chặn ở những khu vực trọng điểm, hợp đồng thêm 13 nhân viên tuần tra bảo vệ rừng.

Các đơn vị chủ rừng kiến nghị các cấp có thẩm quyền, lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp tuyên truyền, chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; việc xử lý phải đủ mạnh để đủ sức răn đe đối tượng vi phạm và kiên quyết thu hồi các diện tích đã bị lấn chiếm.

Ông Lê Xuân Lý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: Công ty kiến nghị UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp quyết liệt, xử lý một số vụ việc trọng điểm để răn đe, tránh tình trạng người dân tiếp tục chặt phá, lấn chiếm rừng trồng như hiện nay. Công ty cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp vận động người dân tháo dỡ lán trại, di dời ra khỏi các khu vực rừng trồng của đơn vị, ngăn chặn việc trồng, trỉa hoa màu trên khu vực đất lấn chiếm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết: Chi cục, cũng đã nỗ lực chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao; kiên quyết thu hồi các diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừnglấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

"Tuy nhiên, sức ép về đất sản xuất cho đồng bào, khiến cho câu chuyện lấn chiếm đất rừng luôn dai dẳng, còn các chủ rừng gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được Nhà nước giao", Phó Chi cục trưởng Trần Minh Thu nói .

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.