Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Khánh Hòa: Trả lại sự sống cho những khu rừng ngập mặn

Thành Nhân - 10:57, 29/10/2021

Có thể khẳng định, những cánh rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quí hiếm, từ ngàn đời như cái nôi của sự sống đa dạng vùng ven biển. Vậy mà một thời kỳ, nó đã bị tàn phá không thương tiếc. Khi rừng mất, mới thấm thía được sự khốc liệt của thiên nhiên. Giờ đây, những bàn tay từng cầm rựa phá rừng lại tiên phong trong việc hồi sinh những cánh rừng ngập mặn.

Đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia trồng rừng ngập mặn
Đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia trồng rừng ngập mặn

Tín hiệu vui

Trước đây, nhắc đến thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là nhắc đến địa phương có nhiều diện tích rừng ngập mặn lớn, với hơn 160ha rừng đước, bần, mắm... Một thời, do phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, nhiều hét ta rừng đã ngã xuống, biến nơi đây trở thành một vùng khô khốc, bỏng rát.

Ông Đinh Công Phương (57 tuổi), Trưởng thôn Văn Tứ Đông, là người sinh ra và lớn lên ở khu vực đầm Thủy Triều,  là nhân chứng sống cho một thời kỳ rừng ngập mặn của thôn bị xóa sổ. Theo ký ức của ông, rừng ngập mặn nơi đây bắt đầu bị phá để nuôi tôm vào giai đoạn năm 1990 - 1995. Thời điểm đó, rừng còn nhiều, chất lượng nước tốt, tôm thả xuống không cần chăm sóc cũng lớn nhanh. Ban đầu chỉ lác đác vài hộ. Nhưng đến giai đoạn 1995 - 2000, thôn Văn Tứ Đông có 400 hộ dân thì đã có 300 hộ phá rừng để lập đìa nuôi tôm.

Cũng theo ông Phương, chỉ trong vòng vài năm, 160ha rừng ở thôn đã bị triệt hạ. Đầm Thủy Triều lúc đó điện thắp sáng như thành phố suốt đêm để nuôi tôm. “Khi những đìa tôm không còn hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu “tháo chạy”, để lại những đìa tôm cỏ dại um tùm. Vào mùa nắng, khu vực này trở nên khô khốc, những bờ cát như muốn bốc cháy dưới nắng. Chứng kiến điều này, những hộ dân trong vùng bắt đầu lên phương án hồi sinh những cánh rừng ngập mặn như xưa. Giờ đây, nhiều diện tích rừng ngập mặn đã được phục hồi xanh tốt”, ông Phương hồ hởi chia sẻ.

Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tuần tra, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng ngập mặn
Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tuần tra, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng ngập mặn

Tương tự, tại đầm Nha Phu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, trước năm 1995, từng có khoảng 200ha rừng ngập mặn nguyên sinh. Nhưng sau đó, người dân đã phá rừng để nuôi tôm công nghiệp. Đến năm 2006, rừng ngập mặn chỉ còn khoảng 30ha, giảm tới 85% diện tích. Mất rừng, nuôi tôm không hiệu quả nên số hộ nuôi tôm công nghiệp hiện tại ở xã Ninh Ích cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhận thấy hậu quả của việc mất rừng, nên từ khi phong trào nuôi tôm đi xuống, nhiều người dân đã cùng chung tay hồi sinh lại những cánh rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích dẫn chúng tôi đi một vòng quanh để xem khu rừng được quy hoạch rất bài bản, những cây đước được trồng từng hàng thẳng tắp, ở giữa là những con lạch nhỏ để thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản.

Ông Hoàng kể, những năm 2000, chạy theo phong trào, gia đình ông phá hết rừng ngập mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp, nhưng kết quả là thất bại, thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông phục hồi lại rừng ngập mặn, thả tôm, cua và cá dìa nuôi theo kiểu quảng canh và giữ đến bây giờ

Diện tích ngày càng tăng

Một trong những yếu tố giúp rừng ngập mặn hồi sinh là nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước.

Năm 2006, một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản hỗ trợ xã Ninh Ích trồng mới 2ha rừng ngập mặn. Từ đó, mỗi năm, xã có kế hoạch phát triển thêm 5ha. Đến nay, trên địa bàn xã đã trồng được gần 50ha rừng ngập mặn, nhiều cây có đường kính 35cm, chiều cao từ 10 đến 15m. Nhờ có vành đai của rừng ngập mặn, vùng đất nuôi thủy sản của Ninh Ích với khoảng 320ha đã được bảo vệ, tránh được tình trạng xói mòn như trước kia, vừa phát triển môi trường sinh vật biển.

Nhiều cánh rừng ngập mặn ở Khánh Hòa đã được trả lại sức sống
Nhiều cánh rừng ngập mặn ở Khánh Hòa đã được trả lại sức sống

Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, những năm qua, hiểu được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, người dân năm xưa cầm rựa phá rừng để nuôi tôm, nay đã bắt đầu tự tay trồng lại rừng. Cùng với đó, các chương trình phục hồi rừng của UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện đã làm tăng diện tích rừng ngập mặn ở địa phương.

Cuối năm 2020, một nhóm bạn trẻ gồm thanh niên tình nguyện, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an, dân quân… huyện Cam Lâm mang về thôn Văn Tứ Đông 5.100 cây đước non xanh ngắt được mua từ đầm Nha Phu để cắm sâu xuống bùn ở những luồng lạch ven đầm Thủy Triều. Ông Phan Trọng Vỹ, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, huyện chú trọng việc trồng rừng ngập mặn nhằm khôi phục lại hệ sinh thái ở đầm Thủy Triều, tập trung ở xã Cam Hòa và Cam Hải Đông. Đến nay, đã có 6,15ha rừng ngập mặn được khôi phục ở đầm Thủy Triều, chủ yếu trồng theo các lạch biển, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn ở đầm lên hơn 20,15ha.

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết: Những năm qua, hoạt động trồng cây, gây rừng được tỉnh phát động ở khắp các địa phương đã nâng diện tích rừng tăng lên đáng kể. “Việc rừng đước được phục hồi không những giúp người nuôi trồng thủy sản có thu nhập ổn định, người dân không có đìa nuôi có thêm thu nhập từ việc bắt ốc, cua để bán…. Quan trọng hơn, nó còn góp phần bảo vệ, khôi phục lại môi trường sống của các loài thủy sản nơi đây”, ông Thy chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục