Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Hàng chục ha rừng bần ở Khánh Hòa bị xóa sổ: Ai chịu trách nhiệm? (Bài 1)

Phương Lê - 10:00, 20/03/2020

Hàng chục héc ta rừng ngập mặn - rừng bần ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã bị triệt hạ không thương tiếc. Hàng loạt ngôi nhà trái phép “mọc” lên trên diện tích rừng đã bị “khai tử”. Điều đáng nói, cơ quan chức năng sở tại rất thờ ơ, không hề biết về việc này.

Những cây bần cổ thụ đang bị bức tử
Những cây bần cổ thụ đang bị bức tử

Rừng “ngã” xuống, nhà trái phép “mọc” lên

Theo tìm hiểu của phóng viên, gần 20ha rừng bần tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND huyện Vạn Ninh quy hoạch, phân vùng. Gần 500 cây bần cổ thụ đã được đánh số, treo biển để theo dõi, quản lý; đồng thời được khoanh nuôi, trồng dặm bổ sung. Rừng được giao khoán cho các hộ dân trong thôn quản lý, mỗi hộ 0,5ha. Người dân nhận khoán được trả tiền giao khoán rừng.

UBND xã Vạn Thọ cũng đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng, với hơn 30 người; trong đó một Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. Các tổ bảo vệ được UBND xã cấp kinh phí hằng năm (định mức 17 triệu đồng/năm) để hoạt động.

Được biết, đây là khu rừng bần cổ thụ duy nhất tại Việt Nam. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, khu rừng còn góp phần chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão…

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, trước tình trạng “sốt đất” ở Khánh Hòa, nhiều đối tượng nổi lòng tham đã lấn, phá rừng bần, đổ đất san nền làm nhà. Tình trạng này diễn ra rầm rộ và phổ biến, nên rừng bần cổ thụ đã nhanh chóng bị xóa sổ.

Ông Ngô Minh Thơ, một cựu chiến binh sinh sống tại thôn Tuần Lễ cho biết: “Khoảng tháng 6/2019, chúng tôi thấy mới chỉ có 27 ngôi nhà, đến nay đã có trên 150 căn nhà kiên cố xây trên đất rừng bần. Ngoài ra, còn có gần 100 nền đất đã được phân lô và sẽ tiến hành làm nhà. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên cơ quan chức năng, địa phương “làm ngơ” như không biết”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc khu rừng bần bị phá nát trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn im lặng, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có ai “chống lưng” hay không? “Tất nhiên là có cán bộ quản lý “bảo kê” rồi? Nếu không thì sao có thể chiếm và hủy hoại rừng, phân lô bán đất ồ ạt và dễ dàng như thế?”, cựu chiến binh Ngô Minh Thơ bức xúc.

Nói về trách nhiệm với khu rừng bần bị “bức tử”, ông Đỗ Anh Thy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết: Đối với quy định về bảo vệ rừng, ngành Nông nghiệp chỉ quản lý cây trên khu rừng đó. Việc san lấp nền đất và đất rừng lại là chức năng của ngành Tài nguyên Môi trường và chính quyền sở tại.

“Chúng tôi sẽ thành lập đoàn xuống hiện trường để kiểm tra mức độ rừng bần bị tàn phá và đề nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân quản lý nếu có vi phạm”, ông Thy khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh lại cho rằng, vấn đề quản lý rừng bần rất phức tạp, nhiều người tham gia phá rừng nên cần thời gian để điều tra mới có phương án xử lý.

Có thể nói, việc khu rừng bần bị phá nát là vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại rất thờ ơ. Dư luận đang chờ ý kiến, chủ trương của tỉnh Khánh Hòa trong việc làm rõ trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm làm mất rừng và những đối tượng chiếm đất rừng xây nhà trái phép tại đây.

Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục theo dõi, thông tin về vấn đề này đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.