Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Nhiều mô hình kinh tế lãng phí

Lê Phương - 14:54, 25/12/2020

Khánh Vĩnh là một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu. Trước tình hình đó, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập một Trại ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) nông nghiệp và kỳ vọng là nơi trình diễn các mô hình cây trồng, vật nuôi kiểu mẫu, để người dân học hỏi, áp dụng. Thế nhưng, thực tế triển khai, kết quả lại không như mong đợi, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Những cây bưởi còi cọc và bị sâu bệnh là sản phẩm của trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu
Những cây bưởi còi cọc và bị sâu bệnh là sản phẩm của trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu

Những mô hình thất bại

Năm 2016 là thời điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Khánh Vĩnh bắt đầu có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sự phát triển của cây bưởi da xanh, một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã tập trung phát triển các cây trồng chủ lực với diện tích ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thành lập Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu với vai trò định hướng cho cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao và ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Giữa năm 2020, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Khánh Vĩnh đã giám sát việc thực hiện chính sách khuyến nông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2019; trong đó, có giám sát hoạt động của Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu.

Kết quả giám sát cho thấy, các mô hình được đầu tư từ nguồn ngân sách nhìn chung đều kém phát triển, không hiệu quả, thua lỗ. Theo đó, năm 2016, trại triển khai mô hình bắp lai trên diện tích 3.000m2 với kinh phí gần 9 triệu đồng mua giống, phân bón; khi thu hoạch, bán toàn bộ số bắp thu được chỉ vừa đủ bù chi phí. 

Cuối năm 2016, 3.000m2 đất khác được sử dụng để trồng 100 cây bưởi da xanh; kết quả, trong 3 năm (2016 - 2019), 97 cây sống sót nhưng chỉ 46% cho trái, năng suất thấp. Tương tự, trồng 80 cây mít nghệ chỉ còn 57 cây, chưa tới 40 cây cho quả, năng suất thấp. Gần 36,5 triệu đồng đầu tư cho mô hình mít nghệ chưa hẹn ngày thu hồi vốn. 

Năm 2017, với kinh phí 28 triệu đồng, 80 cây xoài Úc được đưa về trồng, chỉ còn 64 cây. Cùng chung số phận, 40 cây sầu riêng Monthong với chi phí đầu tư hơn 35 triệu đồng, đến nay, chỉ còn 26 cây.

Ngay cả những loại cây được xem là “cây mẫu”, được trồng tại Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu cũng còi cọc do thiếu sự chăm sóc. Đơn cử như vườn bưởi da xanh 4 năm tuổi tại trung tâm. Thông thường, đây là độ tuổi bưởi mới cho thu hoạch, đang ở giai đoạn sung sức, tốt tươi. Thế nhưng, phần lớn cây bưởi ở đây khẳng khiu, còi cọc. Còn tại vườn xoài, những gốc xoài Úc hơn 3 năm tuổi cũng trong tình trạng thiếu sức sống. Cây xoài khá nhỏ, nhiều cây còn bị cỏ dại leo quấn ken kín.

Lãng phí ngân sách

Ngoài các mô hình trồng trọt thất bại, năm 2017, 10 con heo ngoại chuyên thịt được trại nhập về nuôi với chi phí hơn 27 triệu đồng cho giống và chăm sóc; kết quả, mô hình này cũng thua lỗ hơn 14 triệu đồng.

Một người dân tại địa phương bức xúc, từ ngày có trung tâm tới giờ, tôi chẳng thấy mô hình nào hiệu quả. Tôi không biết Nhà nước đầu tư tiền thành lập trung tâm này để làm gì. Người dân thì không được hưởng lợi, trong khi cán bộ được giao chăm sóc cây trồng làm mẫu cho người dân học tập thì để xơ xác, thiếu sức sống. Vậy làm sao chúng tôi tin tưởng mà làm theo được.

Nhà nước đã đầu tư gần 200 triệu để triển khai 6 mô hình nhưng kết quả thu về thật đáng thất vọng. Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện Khánh Vĩnh đánh giá, việc thực hiện phương án sản xuất tại Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu còn hạn chế trong công tác khảo sát các điều kiện trước khi thực hiện mô hình nên các mô hình đều không đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, xác minh, đánh giá các mô hình chưa thực hiện kịp thời; chậm trễ trong báo cáo UBND huyện về tình hình và kết quả thực hiện các mô hình đã gây lãng phí ngân sách nhà nước. Từ đó, HĐND huyện đề nghị UBND huyện sớm có phương án xử lý phù hợp đối với trại này. Trước hết, dừng cấp kinh phí và có giải pháp xử lý phù hợp để tận dụng số cây trồng còn lại của 4 mô hình cây ăn quả: Bưởi da xanh, mít nghệ, xoài Úc và sầu riêng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Cuối năm 2019, huyện đã yêu cầu Trạm Khuyến nông huyện thực hiện đánh giá lại kết quả các mô hình tại Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu, đề xuất hướng giải quyết đối với các mô hình hết thời gian chăm sóc và các mô hình không hiệu quả. Sau khi kiểm tra, rà soát và thực hiện kiến nghị của HĐND huyện, UBND huyện đã quyết định ngưng cấp kinh phí đầu tư vào các mô hình của Trại Ứng dụng tiến bộ KHKT Nông nghiệp Sông Cầu, kể từ năm 2020.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.