Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khát vọng khởi nghiệp của một thanh niên Khmer

PV - 10:57, 09/07/2018

Thời gian qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, do đó các mô hình sản xuất theo truyền thống của đồng bào không còn phù hợp. Trước thực trạng đó, thanh niên Dương Minh Trung, dân tộc Khmer, sinh năm 1990, quê ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, đã có ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn khí canh bằng công nghệ Israel. Mô hình không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế cao, mà còn hỗ trợ đồng bào phương pháp làm nông nghiệp sạch.

Năm 2011, Dương Minh Trung tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh ngành Nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp anh lại chọn công việc thiết kế, thi công sân vườn cho hộ gia đình, khu dân cư. Cũng từ đó, ý tưởng trồng rau sạch không phải phụ thuộc vào thời tiết bắt đầu hình thành.

Chàng trai dân tộc Khmer Dương Minh Trung mong muốn được chia sẻ ý tưởng sản xuất rau sạch bằng công nghệ cao đến với nhiều thanh niên khác. Chàng trai dân tộc Khmer Dương Minh Trung mong muốn được chia sẻ ý tưởng sản xuất rau sạch bằng công nghệ cao đến với nhiều thanh niên khác.

Thời gian qua, Trung nhận thấy nhu cầu của người dân là muốn tận dụng tối đa khoảng trống để trồng rau phục vụ bếp ăn gia đình. Qua quá trình mày mò, học hỏi tài liệu trong và ngoài nước, đầu năm 2016, Trung khởi xướng ý tưởng với nhóm bạn xây dựng kế hoạch mở trang trại trồng rau sạch theo mô hình khí canh, công nghệ tưới của Israel.

“Đầu năm 2017, tôi quyết định về quê thực hiện ý tưởng của mình. Với ý tưởng ban đầu, tôi hy vọng sản phẩm của mình làm ra đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời xây dựng cho đồng bào dân tộc mình làm quen với nông nghiệp công nghệ cao”, anh Trung cho hay.

Theo anh Trung, khó khăn nhất là vốn và liên kết với người dân. Thời gian đầu kỹ thuật chưa hoàn thiện, đồng bào chưa quen với cách chăm sóc rau theo mô hình mới này, nên năng suất không như mong muốn. Cũng may, nhờ giá bán ra cao và được người tiêu dùng ưa chọn nên động viên được đồng bào tham gia mô hình. Ưu điểm nổi bật của mô hình là đặc biệt thích nghi với đồng bào ít đất, hoặc không có đất sản xuất.

Ông Danh Phương, Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mô hình của Trung rất có triển vọng. Trung còn biết chọn lọc những loại rau truyền thống của dân tộc để phát triển và bảo tồn. Vì vậy, chúng tôi sẽ động viên Trung xây dựng đề án cộng đồng để đồng bào DTTS cùng tham gia trên cơ sở hỗ trợ các hộ vay vốn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…”.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Sóc Trăng và các huyện lân cận có nhiều vườn tạp sản xuất không hiệu quả. Tình hình hạn mặn mấy năm gần đây khiến nhiều thanh niên rời quê đi làm thuê xa. Vì thế, Trung muốn liên kết, chuyển giao công nghệ với thanh niên rồi bao tiêu đầu ra. Từ đó, sẽ giúp các bạn thanh niên nông thôn vươn lên khởi nghiệp trên chính mảnh đất của mình mà không phải bỏ xứ đi nơi khác.

Chúng tôi liên lạc lại với Trung để trao đổi thêm về Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị” do Ủy ban Dân tộc phát động, Trung mừng rỡ chia sẻ chân thành rằng, ý tưởng của Trung không mới với thị trường nhưng đối với đồng bào Khmer vốn quen với làm rẫy như Trung rất khát khao được thực hiện và tiếp cận. Bản thân Trung muốn chuyển giao cho đồng bào để thay đổi cách sản xuất truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.

“Em sẽ tìm hiểu kỹ thể lệ cuộc thi và hy vọng giới thiệu ý tưởng của mình với đông đảo bà con cùng biết về quy trình sản xuất, bán rau sạch theo yêu cầu khách hàng…”, Trung nói.

N.TÂM