Vùng đất đại ngàn không ngừng khởi sắc
Tây Nguyên từng là miền đất heo hút, cách trở, bởi lẽ đó, Nhà nước và các tỉnh trong vùng đã tập trung khá lớn nguồn lực để phát triển giao thông. Đến nay, toàn mạng lưới đường bộ có độ dài hơn 40 ngàn km đã kết nối các tỉnh trong khu vực, các trung tâm lớn cả nước và các quốc gia láng giềng. Vận tải hàng không cũng phát triển nhanh với 3 sân bay Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Gần đây, các dự án đường cao tốc nối liền Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, miền Trung và phía Bắc đã và đang khởi động. Chuỗi các đô thị Tây Nguyên trở thành những đầu tàu kinh tế - xã hội, kích thích sự phát triển nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, đến năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 gần 8%, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực, là vùng du lịch sinh thái văn hoá có sức hấp dẫn; giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống người dân khởi sắc…
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!
Tháo gỡ “điểm nghẽn” và khơi thông nguồn lực
Tuy đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng sự phát triển của vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Trong quá trình vận động, phát triển của khu vực, còn phát sinh những hạn chế, yếu kém, xuất hiện nhiều “điểm nghẽn”, nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua. Điểm nghẽn đầu tiên được đề cập là cơ chế chính sách. Khoa học và công nghệ, tác nhân quan trọng đóng vai trò đòn bẩy và kết nối các nguồn lực được coi là điểm nghẽn thứ hai. Một điểm nghẽn khác là trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các tài nguyên văn hóa hiện đã lộ những bất cập nhưng chưa được xử lý thỏa đáng…
Để mở đường lớn cho Tây Nguyên phát triển, tháng 10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhiệm vụ đầu tiên mà Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao. Liên kết để phát triển là một nhiệm vụ mang tính đột phá... Nghị quyết xác định, các địa phương trong vùng sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ giáo dục, đào tạo, y tế và chủ động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Năm 2023, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Tây Nguyên đã và đang trải qua một chặng đường rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã đạt không ít thành tựu. Thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh Tây Nguyên đều giữ sự ổn định và tăng trưởng, trong đó Lâm Đồng đạt 86,12 triệu đồng, tiếp đó là Đắk Nông với 68,02 triệu đồng, Đắk Lắk với 61,7 triệu đồng, Gia Lai với 59,08 triệu đồng, và Kon Tum 58,42 triệu đồng, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022, vươn lên đứng đầu Tây Nguyên về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Có thể nói, những kết quả các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua chính là nguồn năng lượng tạo nên sinh khí mới, giúp Tây Nguyên phát triển thịnh vượng trong tương lai.