Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Khát vọng và sẻ chia trên quê mới

PV - 17:40, 08/06/2018

Từ nhiều vùng đất khác nhau của Quảng Trị, Nam Định, những nông dân chăm làm lụng mang theo khát vọng làm giàu đến vùng đất mới Đạ Tẻh (Lâm Đồng) để biến những mảnh đất cằn, những quả đồi trọc thành tiền tỷ. Cuộc sống có lúc nhọc nhằn nhưng nghĩa tình chan hòa với đồng bào DTTS tại địa phương như nguồn cổ vũ để họ cùng nhau vượt mọi gian nan.

Chinh phục mọi khó khăn

Nhìn những rẫy cà phê, rẫy bắp trải dài màu xanh, ông Nguyễn Hải ở thôn 3 (xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) vẫn ngỡ như mình đang mơ. Ngược dòng thời gian, ông Hải chia sẻ: Hơn 30 năm trước, theo chủ trương của Nhà nước, hàng ngàn hộ dân ở Quảng Trị, Nam Định đến cuối huyện Đạ Tẻh khai khẩn vùng đất hoang hóa và được xác lập địa giới hành chính, lập nên xã Quảng Trị. Khi mới lập xã, 100% đều là nhà tranh, vách lá, trạm y tế cũng tạm bợ. Bao quanh xã Quảng Trị là các buôn làng đồng bào Mạ, Cơ-ho. Chúng tôi cùng đùm bọc và cam kết biến vùng đất hoang này thành trù phú, no ấm.

Tự nguyện góp công cùng Nhà nước xây dựng đường nông thôn mới. Tự nguyện góp công cùng Nhà nước xây dựng đường nông thôn mới.

Từ lúc đặt chân khai khẩn vùng đất mới, những người Quảng Trị đã bắt nhịp cho những người Mạ, Cơ-ho quanh xóm làng, ruộng rẫy của mình đọc vang hai câu thơ trong “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Biết cái bụng bà con người Mạ chưa sáng tỏ, ông Hải, ông Lê Văn Tùng và nhiều người giải thích cặn kẽ, sỏi thành cơm nghĩa làm những quả đồi nhiều sỏi đá, chúng ta chăm chỉ vỡ vạc, trồng hoa màu, trỉa cây ngô, trồng cây sắn, cây lúa. Nhiều buôn người Mạ đã háo hức đi khai phá đất hoang, chẳng mấy chốc màu xanh đã phủ kín nhiều ruộng rẫy bao bọc quanh các buôn làng.

Là y tá từ những ngày đi bộ đội, khi xuất ngũ xung phong đi làm kinh tế mới, anh Lê Văn Bình ở thôn 5 dẫu mường tượng trước nhiều gian khó nhưng những ngày đầu cũng đầy ám ảnh bởi sốt rét, muỗi, vắt vây quanh. Vấn đề bảo vệ sức khỏe và miếng ăn trước mắt luôn là bài toán cần đáp số ngay. Nhưng rồi, ý chí đã thắng mọi gian nan.

Nhớ lại những ngày gian khó, anh Bình càng thêm tự tin, khẳng định: Hồi đó hầu như rất ít đêm ngủ đủ giấc. Lo chữa bệnh cho người trong xã rồi cả đồng bào DTTS xung quanh nữa. Vừa chữa bệnh vừa làm kinh tế. Bàn tay ai cũng rướm máu nhưng sau mỗi mùa thu hoạch, sản lượng lúa, mỳ, bắp lại tăng lên, nhà lá xóa dần đi thay vào đó là nhà kiên cố nên sức mạnh tinh thần lại được nhân lên nhiều lần.

Vượt qua nhiều trận sốt rét nhưng bà Nguyễn Thị Hậu ở thôn 5 cũng quyết không khuất phục gian nan. Bà bảo: Con suối Đạ Kho như một minh chứng cho nghị lực và tinh thần sẻ chia của những người xã Quảng Trị. Có đợt thiếu nước sinh hoạt lại ra suối, gặp hạn hán cũng ra suối để trút đi những muộn phiền và cầu cho những mùa sau bội thu. Có lúc nóng sốt cũng ra suối nằm cho mát vì khi ấy cả vùng này chưa có ánh điện.

Trao đổi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa

Cũng bởi luôn thường trực tinh thần sẻ chia trong ý nghĩ và hành động nên khi vượt lên cảnh đói nghèo, những người xã Quảng Trị lại tìm cách giúp đỡ đồng bào DTTS sống quanh xã mình. Nông dân sản xuất giỏi Lê Minh Đạt ở thôn 3 tâm tình: Thấy người xã Quảng Trị có ti vi, có nhà ngói, có xe máy, nhiều đồng bào Mạ đổ dồn về hỏi bí quyết. Chúng tôi liền chỉ lên những ruộng rẫy và giải thích cặn kẽ vào thời hiện đại này phải áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất, không nên trồng bắp kiểu chọc trỉa. Cứ giải thích mãi, trao đổi mãi rồi cái bụng của người Mạ cũng thấu hiểu ra.

Nhiều người Mạ cũng học được cách áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng. Nhiều người Mạ cũng học được cách áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng.

Vừa trở về từ rẫy bắp, ông K’Tụng ở thôn Hòa Bình (xã Đạ Pal) phấn khởi bộc bạch rằng: nếu không có những người trên vùng kinh tế mới xã Quảng Trị hỗ trợ kỹ thuật, chỉ tận tình thì hàng trăm người Mạ chúng tôi còn chưa biết cái bắp lai, cây mỳ cao sản là gì. Giờ thì biết nhiều thứ rồi, người xã Quảng Trị biết gì là chúng tôi đến tìm hiểu và học hỏi thêm cái đó. Truyền đi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, những người xã Quảng Trị lại thu nhận về những điệu chiêng, những phong tục đẹp của người Mạ để làm sống động, đa dạng cuộc sống tinh thần của mình.

Không chỉ tiếp thu các phong tục đẹp của người bản địa, những người xã Quảng Trị còn gìn giữ những nét đặc trưng của văn hóa vùng quê cũ của mình. Hằng năm xã Quảng Trị vẫn tái hiện các lễ hội đặc sắc của tỉnh Quảng Trị và hát các ca khúc đầy bi tráng về mảnh đất anh hùng Quảng Trị. Những lễ hội này, người Mạ, Cờ-ho cũng háo hức đến tham dự. Để nhắc nhớ nguồn cội, ngoài các thôn được đánh số, xã Quảng Trị còn được chính quyền cho đặt nhiều tên làng theo tên làng cũ của họ ở Quảng Trị trước khi di cư vào Đạ Tẻh như: làng Đồng Lương, Thượng Phước, Nhan Biều, Trung Kiên.

Trưởng dòng họ Võ ở xã Quảng Trị là ông Võ Đoái tâm tình rằng, người dân tộc nào thì cũng như anh em một nhà cả. Không kể người Mạ, người Cơ-ho hay người trong xã Quảng Trị, khi ai có biến cố hay gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn tôi cũng vận động cả họ chung tay giúp sức. Đây cũng là đức tính và cách sống của người dân xã Quảng Trị.

Ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị khẳng định: Người xã Quảng Trị hiện nay chủ yếu từ huyện Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) và một ít người từ Hải Hậu (Nam Định) đến, họ rất cần cù và lan tỏa được sự cần cù đó cho các dân tộc sinh sống xung quanh. Tinh thần tương trợ được thể hiện rất cụ thể thông qua việc động viên, giúp nhau vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Với trên 700 hộ dân nhưng chỉ chưa đến 5% hộ nghèo, 100% trẻ em xã Quảng Trị đến trường đúng độ tuổi, 100% đường nông thôn đã được bê tông hóa. Xã Quảng Trị còn phấn đấu vươn lên thành kiểu mẫu về thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã không có tệ nạn xã hội.

HÀ VĂN ĐẠO

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.