Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Khi cô giáo người Dao về phố

Hiếu Anh - 10:12, 31/01/2020

Hình ảnh “cõng chữ lên non” đã khắc sâu vào tâm trí bao thế hệ về nỗi nhọc nhằn của những giáo viên miền xuôi lên công tác ở miền núi. Nhưng cũng có một hình ảnh “gai góc” không kém, đó là hành trình của những giáo viên người DTTS, lớn lên cùng với những khó khăn của núi rừng, đang vượt qua thách thức để lập nghiệp ở thành thị, khẳng định mình trong môi trường hội nhập.

Để triển khai luận án tiến sĩ, TS. Quỳnh Giao thường xuyên về tìm hiểu thực tế tại cơ sở
Để triển khai luận án tiến sĩ, TS. Quỳnh Giao thường xuyên về tìm hiểu thực tế tại cơ sở

Tôi may mắn gặp cô giáo Bàn Thị Quỳnh Giao, sinh năm 1977, dân tộc Dao, ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), hiện đang công tác tại Viện Văn học. Cô đã kể tôi nghe hành trình “hạ sơn” nhiều khó khăn nhưng cũng đầy háo hức của mình.

Cô bảo, cô được sinh ra trong một gia đình trí thức ở xã Phấn Mễ. Bố cô là Tiến sĩ Bàn Tiến Tân, người Dao đầu tiên giành được học vị Tiến sĩ tại Trường Đại học Lomonoxop (Liên Xô cũ); sau khi về nước là giảng viên, Trưởng bộ môn Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

“Suốt những năm tháng tuổi thơ, khi cha đi học xa nhà, tôi cùng mẹ thường xuyên phải lên nương tăng gia sản xuất, bởi một suất tem phiếu của mẹ không đủ nuôi bốn miệng ăn trong nhà”, cô bồi hồi nói.

Nhưng có lẽ, tuổi thơ nghèo đói, cơ cực ấy đã tôi luyện được một tinh thần thép trong cô. Học xong đại học, bạn bè người ngược, người xuôi, cô trở về quê dạy đàn em nhỏ. Nhưng sau 10 năm gắn bó với mái Trường THCS Giang Tiên (huyện Phú Lương), đến năm 2008, cô tự bỏ kinh phí để đi học Thạc sĩ; mặc dù với tấm bằng đại học khi đó, giảng dạy ở Trường THCS Giang Tiên cô đã thừa chuẩn. “Ngang” hơn, năm 2010, cầm tấm bằng Thạc sĩ trong tay, cô quyết định xin nghỉ công tác, khăn gói xuống Thủ đô tìm cơ hội.

Cô bảo, vì cô nhớ lời cha cô khi còn sống dặn “nếu làm việc gì đó khi đến đích mà con thấy hài lòng và buông xuôi không nỗ lực phấn đấu tiếp thì con sẽ vứt tất cả mọi công sức trước đó của con”.

Năm 2011, cô đến công tác tại Viện Văn Học, một trong những cơ quan đầu ngành của đất nước về công tác nghiên cứu văn học. Cô Quỳnh Giao tâm sự, khi về môi trường mới, những ngày đầu đi làm, cô hoàn toàn bỡ ngỡ, nhiều khi sợ đến phát khóc.

Thế nhưng, bản lĩnh của người miền núi không cho phép cô gục ngã. Sau hơn một năm công tác, cô đã có bài hội thảo khoa học đầu tiên, là bài nghiên cứu về tri thức bản địa chọn giống ngô và giống lúa của người Dao cổ. Bài viết khi tham gia hội thảo đã được chọn in vào kỷ yếu của Viện Văn hóa dân gian năm 2012.

“Với người khác là rất bình thường, nhưng với tôi đây là một nguồn cổ vũ lớn lao bởi nó giúp tôi tự tin và tiếp tục hành trình chinh phục”, cô Giao tâm sự.

Đến năm 2013, sau khi nghỉ sinh con thứ 2, cô quyết định làm hồ sơ đi học Tiến sĩ, đồng thời đăng ký học lớp Văn bằng 2 Ngoại ngữ. Khi thi nghiên cứu sinh, cô tự thử thách bản thân khi chọn đề tài nghiên cứu là dân ca nghi lễ của đồng bào Dao, chú trọng vào nghi lễ tang ma (tang ca).

Khi cô giáo người Dao về phố 1

Cô Giao cho biết, tang ca là một tiểu loại vô cùng khó trong dân ca nghi lễ của người Dao. Nếu nghiên cứu thành công thì đồng nghĩa với việc mở ra được thế giới tâm linh của đồng bào dân tộc Dao - vốn dĩ tương đối khép kín, rất nhiều nhà khoa học muốn khám phá nhưng chưa thành.

“Bình thường trong nghi lễ tang ma, người Dao sẽ không cho người lạ vào tham dự một số nghi lễ quan trọng và nếu được tham dự các thầy cúng cũng phải mất rất nhiều âm binh để xin”, cô Giao cho hay.

Bằng lòng quyết tâm của người con dân tộc Dao, đồng thời vận dụng hết khả năng của một nhà khoa học, cô đã thuyết phục được cộng đồng hé mở thế giới thần bí của mình, tạo điều kiện để cô làm luận án. Luận án của cô đã dành được sự quan tâm đặc biệt của Hội đồng Khoa học trong và ngoài nước. Ngày cô bảo vệ luận án, nhiều Giáo sư đầu ngành dù không có trong Hội đồng nhưng vẫn tới tham dự. Nhiều nhà khoa học nước ngoài như Trung Quốc, Úc gặp cô trong một cuộc hội thảo Quốc tế bày tỏ sự quan tâm và xin tài liệu từ cô để đối chiếu về tộc người Dao sinh sống tại đất nước họ.

Tấm bằng Tiến sĩ là hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô giáo người Dao khi “hạ sơn” về Thủ đô làm công tác nghiên cứu. Vui mừng hơn cô vừa được nhận giải 3A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho cuốn Dân ca Nghi lễ tang ma. Nhưng với Quỳnh Giao, đây không chỉ đơn thuần là một luận án mà còn là một sự trăn trở. Trong nhịp sống hiện đại, người Dao trẻ không còn mặn mà với chính văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, cô mong muốn thông qua luận án mọi nghi lễ vòng đời của người Dao sẽ được ghi chép lại một cách trung thực để bảo tồn các nghi lễ vòng đời của người Dao.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.