Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện những giáo viên “gieo chữ trên non”

Thanh Huyền - 10:39, 09/12/2019

Sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là hành trình gian nan và đầy khó khăn, thử thách. Những thầy, cô giáo đang thầm lặng“gieo chữ trên non” đã và đang viết tiếp những câu chuyện đẹp về hình ảnh người thầy trên những bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều gian khó của Tổ quốc.

Thầy giáo La Văn Quân dạy học trò trên lớp
Thầy giáo La Văn Quân dạy học trò trên lớp

Thầy giáo La Văn Quân, Trường PTDTBT THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn):

Bản thân tôi là người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em, ở thôn Củm Nhá, xã Lãng Ngâm - xã thuộc vùng ĐBKK của huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình, quê hương, bản thân tôi vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn, luôn cố gắng nỗ lực học tập và trở thành người thầy giáo để đem cái chữ về cho bản làng, cho trẻ em nghèo quê tôi. 

Hiện tại, tôi đang giảng dạy tại Trường PTDTBT THCS Thuần Mang. Trường có 100% là học sinh DTTS. Trong đó, học sinh dân tộc Mông chiếm khoảng 60%, chủ yếu thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đường đến trường phải vượt đèo, vượt suối… Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường chỉ có mình tôi là giáo viên người Mông. Vì thế, bản thân tôi đã luôn ý thức phải phát huy lợi thế trong giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình biết (tiếng Mông, tiếng Tày và tiếng Dao) để tích cực giao lưu với học sinh, tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ học, vận động cha mẹ các em cho các em ra lớp học tập. 

Những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của nhà trường luôn đạt 100%. Nhiều học sinh có ý định bỏ học, tôi luôn gặp gỡ, trao đổi, phân tích cho các em hiểu, vận động gia đình ủng hộ việc học tập của các em. Với sự nỗ lực, góp sức nhỏ bé của mình đã giúp nhiều em tiếp tục theo học, nhiều học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT, đi học nghề hoặc tham gia học các trường chuyên nghiệp, với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp - đó thật sự là điều ý nghĩa nhất trong những năm dạy học của tôi.

Cô giáo Trần Thị Thu Phương ân cần dạy dỗ các em học sinh dân tộc Chứt, bản Rào Tre
Cô giáo Trần Thị Thu Phương ân cần dạy dỗ các em học sinh dân tộc Chứt, bản Rào Tre

Cô giáo Trần Thị Thu Phương, điểm trường bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh): 

 Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hương Khê (Hà Tĩnh). Đến nay đã hơn 7 năm kể từ ngày tôi đặt chân đến ngôi Trường Mầm non Hương Liên, huyện Hương Khê nhận nhiệm vụ giảng dạy. Dù hiện nay vẫn đang là giáo viên hợp đồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi tôi đang còn phải chăm sóc bố chồng thương binh nằm một chỗ và chăm lo cho 2 con nhỏ, nhưng tôi đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, tôi đã tình nguyện tham gia giảng dạy tại điểm trường bản Rào Tre, xã Hương Liên. Đây là điểm trường dành cho các em học sinh dân tộc Chứt. Điểm trường nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Hằng ngày tôi phải đến từng gia đình để vận động đưa các em đến trường và chăm sóc các em từ miếng ăn giấc ngủ. Bằng sự chân thành đó tôi đã nhận lại được tình yêu thương quý mến của các em học sinh và phụ huynh nơi đây. Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào khi được cống hiến một phần nhỏ của mình để giúp đỡ các em. 

Thầy giáo Y Giêng và các học trò
Thầy giáo Y Giêng và các học trò

Thầy giáo Y Giêng, Trường Tiểu học Ea Lâm, huyên Sông Hinh (Phú Yên):

Tôi là người con của dân tộc Ê-đê, sinh ra và lớn trên mảnh đất núi rừng Sông Hinh (Phú Yên), trong một gia đình thuần nông có bốn anh chị em. Nhờ những nỗ lực hết mình trong học tập, tháng 1/2010 tôi vinh dự trở thành nhà giáo, công tác tại Trường Tiểu học Ea Lâm, huyên Sông Hinh cho đến nay. 

 Những ngày mới đi dạy, chứng kiến những cô cậu học trò bé bỏng, gầy guộc, tóc vàng hoe cháy nắng vì một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn bò mà lòng tôi xót xa. Những hình ảnh thuở ấu thơ hiện về trong tâm trí tôi, ngày ấy, tôi cũng không biết nói tiếng phổ thông, cũng lem luốc, vất vả... rồi càng gần gũi học sinh hơn, hiểu biết học sinh hơn, yêu thương học sinh hơn. Học sinh người Ê-đê thường có tâm lý ngại giao tiếp, ít cởi mở, ngại hòa đồng, ngại không dám thể hiện mình trước tập thể. Tôi đã dạy dỗ, trao truyền cho học sinh về kiến thức, về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó.

Nhận thấy phần đông học sinh DTTS gặp khó khăn trong việc tiếp cận môn tiếng Việt, tôi đã dày công tìm tòi và viết đề tài sáng kiến “Rèn kỹ năng viết đúng chính tả cho học sinh dân tộc Ê-đê lớp 4, Trường Tiểu học Ea Lâm”. Và nhiều học trò của tôi đã biết quy tắc viết chính tả, tự tin hơn khi học môn tiếng Việt. Các em đã trở nên dạn dĩ trước đám đông, tích cực trong các phong trào trường lớp. 

Tôi luôn tâm niệm rằng “Nếu giáo viên không am hiểu, đồng cảm, làm bạn cùng các em, các em rất dễ mặc cảm, từ đó xem nhẹ việc học, dẫn đến bỏ học”. Vì vậy, tôi sẽ luôn cố gắng gần gũi với học sinh bằng sự tận tụy và gương mẫu, từ đó giáo dục các em tiến bộ.

Tin cùng chuyên mục
Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5

Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, trong đó, những thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023 - 2024 sẽ chính thức đăng ký dự thi từ 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5 theo hình thức trực tuyến.