Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khi di sản văn hóa được phát huy

PV - 15:26, 27/08/2018

Qua 17 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số” (2001-2018), cả nước đã có 32 làng, bản, buôn của 20 DTTS thuộc 25 tỉnh đại diện cho các vùng, miền được Nhà nước hỗ trợ đầu tư kinh phí bảo tồn. Trong quá trình triển khai Đề án, không tránh khỏi sự lúng túng, sai sót ở một vài dự án. Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, Đề án Bảo tồn Làng truyền thống đã tạo nên những mô hình làng văn hóa-du lịch hiệu quả, đem lại lợi ích về mọi mặt cho đồng bào DTTS trên cả nước.

di sản văn hóa Làng Văn hóa Lô Lô Chải (Hà Giang) nhìn từ trên cao.

Tham gia làm du lịch cộng đồng gần 4 năm nay, gia đình ông Đinh Công Lon, dân tộc Mường ở Làng Văn hóa-Du lịch cộng đồng xóm Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) đã đón hàng trăm đoàn khách nước ngoài và khách trong nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa ẩm thực ngay tại nhà sàn của gia đình. Nhiều đoàn khách ngoại quốc lần đầu tiên đến xóm Ải, được cộng đồng người Mường đón tiếp nồng hậu, được tham quan bản làng, trải nghiệm leo núi, ngắm thác, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ..., họ cảm thấy rất, thích thú hài lòng và bày tỏ mong muốn sẽ có dịp quay trở lại.

Ông Đinh Công Lon cho biết, từ năm 2009, xóm Ải được Nhà nước đầu tư kinh phí hơn 10 tỷ đồng triển khai Dự án “Bảo tồn, tôn tạo làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường”, gia đình ông cùng 36/92 hộ dân trong xóm đã được Dự án hỗ trợ tôn tạo, sửa chữa nhà ở. Một số hạng mục được đầu tư tôn tạo; hỗ trợ kinh phí di chuyển, làm mới chuồng trâu, bò; công trình nhà vệ sinh...

Bên cạnh đó, Dự án đã xây dựng một Nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiến trúc nhà sàn gỗ cùng sân chơi thể thao, hệ thống đèn điện chiếu sáng, đập dâng nước, tạo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp ngay tại khu trung tâm sinh hoạt cộng đồng của xóm…

di sản văn hóa Đội văn nghệ dân tộc Mường xóm Ải luyện tập để chuẩn bị phục vụ khách du lịch.

Ngày 24/1/2014, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định công nhận xóm Ải là Làng Văn hóa-Du lịch cộng đồng của tỉnh Hòa Bình. Ngay sau đó, gia đình ông Đinh Công Lon cùng 2 hộ khác là Bùi Văn Khẩn và Bùi Thị Xứ ở xóm Ải được Công ty Du lịch Hòa Bình giúp đỡ, hỗ trợ vốn và kỹ năng, kiến thức làm dịch vụ kinh doanh homestay.

Hiện nay, các hộ kinh doanh homestay mỗi tháng đều đặn đón từ 15-20 đoàn khách đến ăn nghỉ lưu trú tại nhà. Trừ các khoản chi phí, mỗi hộ có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Đội văn nghệ của xóm cũng có nguồn thu hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch.

Còn tại tỉnh Hà Giang, Dự án “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống Lô Lô Chải” thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn được triển khai từ năm 2005-2010 đã phát huy cao hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa tinh thần cho bà con dân tộc Lô Lô. Dự án đã bảo tồn, tôn tạo được 3 ngôi nhà có kiến trúc cổ của dân tộc Lô Lô; xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái; củng cố, thành lập đội văn nghệ; phục dựng một số loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian, bảo tồn một số lễ hội truyền thống và nghi lễ đám cưới, đám tang, nghề thêu dệt trang phục; phục chế 3 đôi trống đồng Lô Lô; trình diễn nghệ thuật đúc đồng và diễn tấu sử dụng trống đồng.

di sản văn hóa Phụ nữ dân tộc Mường ở xóm Ải duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Hiện nay, bản Lô Lô Chải đã có 7 hộ gia đình kinh doanh homestay. Trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 khách nghỉ lưu trú. Vào mùa hoa tam giác mạch, bản thường "cháy" phòng. Các gia đình tham gia làm du lịch đều có mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng gia đình Trưởng bản Sìn Dỉ Gai-hộ đầu tiên của bản Lô Lô Chải làm homestay từ năm 2014, đến nay đã có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Tại tỉnh Quảng Trị, mô hình “Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Vân Kiều” (thuộc xã Đăk Krông, huyện Đăk Krông) đã giúp cho đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, bản làng đổi thay theo hướng văn minh, tiến bộ. Một số nghề truyền thống như làm chổi đót, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, đan lát được khơi dậy và duy trì, giúp cho đồng bào Vân Kiều cải thiện cuộc sống, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa đặc trưng trong sự phát triển chung của đất nước.

Đánh giá về hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS” trên bình diện toàn quốc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Đề án đã tạo ra mô hình mới trong công tác bảo tồn văn hoá truyền thống; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và chủ thể văn hóa về ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa DTTS với phát triển kinh tế-xã hội; từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.