Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khi giới trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống

PV - 09:42, 30/06/2018

Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin của xã hội hiện đại, nguy cơ cái mới lấn át cái cũ, những giá trị hiện đại lấn át giá trị truyền thống là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là trong giới trẻ.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn còn những bạn trẻ hướng sự quan tâm của mình tới văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, sự xuất hiện của các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận bắt đầu tạo ra những tiếng vang nhất định như: Chèo 48h -Tôi chèo về quê hương, S.River, MyHaNoi...

Một tiết mục chèo do các bạn trẻ nhóm “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” thể hiện. Một tiết mục chèo do các bạn trẻ nhóm “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” thể hiện.

 

Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” được bắt đầu từ tháng 7/2014, dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” (tổ chức phi lợi nhuận của các sinh viên) cùng với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững. Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Dự án chia sẻ, Dự án này được “thai nghén” từ băn khoăn: Tại sao giới trẻ Việt Nam cứ mải miết theo đuổi những trào lưu du nhập từ nước ngoài mà quên đi nhiều giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc? Từ trăn trở đó, nhóm đã mang các loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền như chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm... đến với công chúng hiện đại.

Tính đến nay, nhóm đã tổ chức thành công khóa học với hai bộ môn chèo và chầu văn. Lớp học được những nghệ sĩ chèo hàng đầu như: NSƯT Thanh Ngoan, Tuấn Kha… tham gia giảng dạy. Đồng thời, các bạn trẻ còn thực hiện hàng loạt những chương trình trải nghiệm sáng tạo như: “Không gian nguồn cội”, “Young Culture day” (ngày văn hóa dành cho giới trẻ), “Về nguồn”, “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Gala tôi chèo về quê hương”…

Cùng với mong muốn giữ lại những nét văn hóa đặc sắc xưa cũ của dân tộc, nhóm S.River (dòng chảy văn hóa trên dải đất hình chữ S Việt Nam) đã thực hiện Dự án mang tên “Họa sắc Việt”. Đây là nơi các bạn trẻ lưu giữ lại văn hóa truyền thống bằng hình thức số hóa. Với mong muốn tạo ra một kho lưu trữ dân gian trong thiết kế bằng kỹ thuật đồ họa, các thiết kế trẻ đã lưu trữ lại những nét đẹp của tranh Hàng Trống và mở ra nguồn tư liệu ứng dụng màu và hoạ tiết của dòng tranh này lên các sản phẩm khác như đồ họa, thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Nhóm S.River do nhà thiết kế trẻ Trịnh Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sáng lập năm 2017 cùng nhóm các bạn trẻ có đam mê về thiết kế đồ họa. Nói về Dự án của mình, Trịnh Thu Trang chia sẻ “Tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống và có sức sống, tính cuốn hút riêng. Trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số, tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại. Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống của thị dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”.

Giống như “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” hay nhóm S.River, CLB MyHaNoi đã mang những trò chơi dân gian như: nhảy dây, ô ăn quan, những  gánh hàng rong chất đầy bánh do, bánh nếp, bánh tẻ... đến gần hơn với giới trẻ trong phố đi bộ quanh hồ Gươm. Những trò chơi tuy đơn giản nhưng nó chính là sức sống, giúp phố đi bộ thêm phần sinh động và nhộn nhịp.

Ngô Quý Đức, Chủ nhiệm CLB MyHaNoi tâm sự: Ban đầu, mục đích thành lập CLB là mong muốn được thỏa mãn niềm đam mê khám phá lịch sử, văn hóa Hà Nội và tìm kiếm những người bạn có chung sở thích. Sau nhiều chuyến đi thực tế về các làng nghề, trong đó có những làng trước đây chuyên làm đồ chơi truyền thống, nhận thấy chúng đang dần mai một, tôi và những người bạn mong muốn làm một điều gì đó giúp những người thợ thủ công tài hoa cuối cùng còn gắn bó với nghề ở Hà Nội.

Từ đó, nhiều sự kiện do CLB tổ chức đều lồng ghép thêm trò chơi dân gian nhằm vừa tạo không gian sôi động, thu hút người tham gia, vừa góp phần quảng bá các sản phẩm đồ chơi truyền thống cũng như các trò chơi truyền thống. Giờ đây, trò chơi dân gian trong khu phố đi bộ được duy trì một cách đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần.

Đánh giá về sự ảnh hưởng từ những dự án đến với công chúng, ông Lê Liêm, Ban Bảo tồn di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: “Các bạn trẻ đã và đang làm sống lại những nét văn hóa Việt gần như bị lãng quên. Đôi khi tiếng nói của các bạn, hành động của các bạn mới có tác động trực tiếp đến đa số mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Các bạn là tương lai của đất nước, chính các bạn mới là những người phải có trách nhiệm gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của cha ông. Khi thấy ngày càng nhiều các nhóm được sáng lập, chúng tôi thực sự rất vui mừng”.

Mỗi nhóm một cách khác nhau, tuy nhiên, việc các bạn trẻ đang mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống phi vật thể với nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống là điều cần được khuyến khích, nhân rộng.

Hồng Minh