Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khi lương y là Người có uy tín

PV - 09:37, 08/05/2019

Hơn 50 năm qua, với vai trò là một lương y, ông Quách Thuận Lương, dân tộc Mường, ở thôn Mít, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hết mình để không phụ lòng tin yêu, quý mến của người dân.

Ông Quách Thuận Lương (áo trắng) tại khu chế biến thuốc. Ông Quách Thuận Lương (áo trắng) tại khu chế biến thuốc.

Vốn là một nhà giáo, nhưng ông Lương lại có tình yêu đặc biệt với những cây thuốc của dân tộc mình. Từ những thập niên 50, ông đã bắt đầu mày mò, tìm hiểu về đặc tính, tác dụng của các cây thuốc trong rừng. Với kiến thức tự học hỏi, ông Lương đã nghiên cứu thành công đề tài “cây cỏ lá rừng” chữa các bệnh như: thoát vị địa đệm, xương khớp, thần kinh… được Hội Y học Việt Nam công nhận.

Với phương pháp điều trị Đông Tây y kết hợp, trước khi bắt bệnh, cắt thuốc ông Lương đều yêu cầu bệnh nhân đưa hồ sơ bệnh án để có căn cứ khoa học, từ đó mới bốc thuốc điều trị. Hằng năm, ông Lương khám, chữa cho hàng nghìn người từ Nam ra Bắc khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Không chỉ có những bài thuốc hay, ông Lương còn là người thầy thuốc luôn tận tụy giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách.

Ông Lương chia sẻ: “Bệnh nhân nào đến khám, tôi cũng đều hỏi thăm về điều kiện kinh tế gia đình, có nhiều trường hợp nhà nghèo phải bán nhà, bán đất để chữa bệnh tôi đã không lấy tiền, hằng tháng còn gửi thuốc về tận nhà để điều trị. Hoặc với các gia đình chính sách tôi chỉ lấy một nửa số tiền”.

Không chỉ khám, chữa bệnh, ông Lương còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động tại địa phương, bằng những công việc như trồng và chế biến các loại cây thuốc Nam. Hằng tháng mỗi lao động thu nhập từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.

Với người dân ở thôn Mít, ông Quách Thuận Lương không chỉ là một lương y tận tâm mà còn được bà con bầu là Người có uy tín. Trong mọi phong trào tại địa phương, ông Lương luôn là người tiên phong, gương mẫu thực hiện. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ông Lương đã  hỗ trợ cho thôn 100 triệu đồng tiền mặt để làm đường. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế xóa nghèo, ông đã hỗ trợ 12 triệu đồng xây nhà cho 2 hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ đói nghèo của thôn luôn giảm đều qua các năm, đời sống của Nhân dân trong thôn được cải thiện.

Đặc biệt với tình yêu văn hóa dân tộc, ông Quách Thuận Lương đã bỏ tiền mua 2 bộ cồng chiêng để tặng cho thôn Mít và thôn Hào.

Không những thế, ông Lương còn ủng hộ bàn ghế, phông màn, khẩu hiệu, tượng Bác cho hội trường nhà văn hóa thôn. Cũng nhờ có sự ủng hộ của ông Lương, những năm gần đây phong trào văn hóa, văn nghệ thôn Mít cũng như xã Xuân Bình được nâng cao. “Giờ đây, cứ vào mỗi dịp lễ tết là bà con trong thôn đã có chiêng để đánh, cùng nhau nhảy múa trong niềm vui hân hoan”, ông Lương chia sẻ.

Với những đóng góp đó, ông Quách Thuận Lương đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen. Năm 2015, ông Quách Thuận Lương được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Bảo tồn văn hóa y dược của dân tộc Mường. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm tỉnh Thanh Hóa (1947-2017), ông Lương vinh dự được tôn vinh là công dân kiểu mẫu.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.