Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Khi thảo dược làm thức ăn chăn nuôi

PV - 15:24, 30/01/2019

Mô hình chăn nuôi bằng thảo dược của chị Trương Thị Tố Hoa, chủ trang trại ở Phương Hoa, xã Lầu Thí Ngài, huyện vùng cao Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) rất thiết thực bởi giá trị kinh tế từ các giống vật nuôi đã được nâng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, người dân không phải lo lắng việc tìm đầu ra cho sản phẩm bởi nuôi con gì, bán hết ngay con đấy.

Mô hình chăn nuôi độc đáo

Vốn có nghề làm thuốc Bắc, chị Hoa đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi các giống vật nuôi bản địa như: lợn đen Bắc Hà, vịt Sín Chéng (Si Ma Cai), gà đen địa phương… bằng thảo dược. Để thực hiện mô hình này, bên cạnh việc đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, chị đã dành nhiều thời gian đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời tìm tòi, học hỏi phương pháp chế biến, pha trộn thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm với một số thảo dược sẵn có của địa phương.

Đàn chim trĩ trong trang trại của chị Trương Thị Tố Hoa được nuôi hoàn toàn bằng cám thảo dược. Đàn chim trĩ trong trang trại của chị Trương Thị Tố Hoa được nuôi hoàn toàn bằng cám thảo dược.

Sau gần chục năm thực hiện, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, đến nay trang trại của gia đình chị có gần 2.000 con gia súc, gia cầm bản địa được chăn nuôi hoàn toàn bằng cám thảo dược.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi của mình, chị Trương Thị Tố Hoa, chủ trang trại Phương Hoa, xã Lầu Thí Ngài cho biết: Chăn nuôi bằng thảo dược là những cây dược liệu do gia đình trồng được nên chi phí đầu tư thấp. Trong khi đó, lợi ích lại rất thiết thực, vật nuôi có sức đề kháng tốt, da thịt hồng hào và rất nhanh lớn. Đặc biệt chất lượng thịt thương phẩm được nâng cao với các yếu tố như ít mỡ, thịt đỏ, mềm, thơm và chắc… Cũng chính vì thế, hầu hết số lượng gia súc, gia cầm tại trang trại của gia đình chị Hoa khi đến lứa thu hoạch đều rất dễ tiêu thụ, được các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh thu mua, không phải lo lắng đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm giống như nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng. Giá trị kinh tế từ các giống vật nuôi bản địa mang lại cũng tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước đây.

Chú trọng đến sản phẩm sạch, an toàn

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi khi lượng phân chuồng khá nhiều, chị Hoa đã tìm hiểu thông tin trên trên mạng internet và nhận thấy các mô hình nuôi giun quế rất thích hợp, có thể giúp tận dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho giun quế, lại góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm.

Chị Hoa cho hay: “Việc nuôi giun quế tại trang trại hiện cũng đóng góp lớn vào thành công của mô hình, bởi giun quế có hàm lượng đạm cao, có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm rất tốt. Cách làm này cũng tiết kiệm thêm chi phí thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên việc chăn nuôi bằng cám thảo dược vẫn là chính. Khi áp dụng cả 2 loại thức ăn này sẽ đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Thêm nữa, phân giun quế dùng để bón cho rau màu, nó có độ tơi xốp cao nên hạn chế được kiến và nhiều loại côn trùng phá hoại.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi bằng thảo dược của chị Trương Thị Tố Hoa được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao do có nhiều cách làm sáng tạo và đang được nhân rộng. Trang trại của chị đã giải quyết việc làm cho 6 lao động, chủ yếu là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương đáng kể đối với người dân vùng cao, nhưng quan trọng hơn là trong quá trình làm, họ được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng thảo dược, từ đó, mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình mình để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Với nhiều cách làm sáng tạo trong mô hình kinh tế của chị Trương Thị Tố Hoa đã và đang phát triển, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

KHUẤT LINH