Chuyển đổi số kết nối trực tiếp người bán và người mua
Bao đời nay, nhiều người dân vẫn quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Thế nhưng, điều ấy không còn đúng với người dân xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Bởi người dân nơi đây đã nuôi vịt theo quy trình hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật. Không những vậy họ còn liên kết sản xuất để thành lập HTX để nuôi vịt tên gọi HTX Vịt bầu Minh Hương. Hiện, HTX có 26 thành viên, duy trì thường xuyên 12 nghìn con vịt bầu thương phẩm. Thu nhập của HTX lên tới hàng tỷ mỗi năm.
Bà Nông Thị Lịch, Chủ tịch HTX Vịt bầu Minh Hương cho biết, vịt bầu Minh Hương từ lâu đã nổi tiếng được nhiều người dân ưa chuộng. Thế nhưng, trước đây người dân sản xuất nhỏ lẻ, thủ công chưa tạo được thế mạnh. Từ khi thành lập HTX, người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khu chuồng nuôi vịt được sử dụng đệm lót sinh học và tiến hành khử trùng bằng vôi định kỳ. Ngoài tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng dịch và tạo vùng bơi lội, HTX còn phải nuôi vịt bằng thóc, bằng chuối thái lẫn với cỏ voi. Đều đều ngày 2 lần, vịt phải có 2 bữa ăn no, còn với vịt bé thì phải cho ăn 3 bữa/ngày.
Theo chị Lịch, đối với vịt đẻ HTX chỉ nuôi trong khuôn viên mỗi hộ, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Còn vịt thương phẩm được thả ra suối theo giờ quy định. Loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán từ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/kg. Để chủ động về con giống, HTX vịt bầu Minh Hương đã đầu tư lò ấp trứng, đảm bảo chủ động nguồn giống nuôi 5-6 lứa vịt/năm. Sau một tháng ấp trứng, HTX sẽ tiến hành úm vịt rồi mới thả ra chăn nuôi bình thường.
Không chỉ có HTX Vịt bầu Minh Hương đã biết áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, mà nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn biết chủ động trong việc sử dụng công nghệ 4.0 để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) là một trong những đơn vị như thế. Theo đó, HTX đã tích cực chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Tận dụng tối đa các công cụ trên mạng xã hội, website để quảng bá, các sản phẩm chè của hợp tác xã tới đông đảo người tiêu dùng. Với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện, các sản phẩm của hợp tác xã đưa lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử như ocop.snntuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn, giúp quảng bá sản phẩm của hợp tác xã đến với người tiêu dùng khắp cả nước
Sự phát triển của HTX vịt bầu Minh Hương và HTX Sơn Trà chỉ là 1 trong số nhiều mô hình cho thấy hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai nhiều chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã hỗ trợ các các HTX triển khai thực hiện 04 đề tài và 13 dự án khoa học, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Để tập trung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các nội dung được hỗ trợ như: tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người tham gia dự án; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong việc tư vấn xây dựng liên kết, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường; hỗ trợ chi phí tập huấn nghiệp vụ quản lý, quản lý chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đối tượng được áp dụng theo Nghị quyết này là các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nhóm cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.
Trên tinh thần của Nghị quyết, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn các hợp tác xã ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ về giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới. Đồng thời, hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh sản phẩm; triển khai các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…
Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay toàn tỉnh đã hình thành 76 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý… Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị, phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Việc quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số đang từng ngày được các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm thực hiện. Để chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về thiết lập điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Tuyên Quang thiết lập 93 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III) và xã không thuộc khu vực III nhưng có thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện, hướng dẫn duy trì vận hành, khai thác điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ chức tập huấn quản lý, vận hành, khai thác điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng theo quy định.
Mỗi xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ một điểm. Điểm hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu như: Có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; Thuận tiện cho người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ; Bảo đảm an toàn, an ninh về con người và tài sản, thiết bị; Có nguồn điện ổn định. Số lượng thiết bị cơ bản được lắp đặt tại các điểm hỗ trợ gồm: Internet TV 93 cái, micro phone 18 cái, amply 93 cái, bàn phím máy tính kết nối với internet TV 93 cái, loa phục vụ hội trường 186 cái, vật tư thiết bị phụ trợ phục vụ công tác lắp đặt 93 bộ. Số lượng, địa điểm hỗ trợ cụ thể: Huyện Sơn Dương 15 điểm, huyện Hàm Yên 15 điểm, huyện Chiêm Hóa 17 điểm, huyện Yên Sơn 24 điểm, huyện Lâm Bình 10 điểm, huyện Na Hang 12 điểm.
Với những giải pháp đồng bộ, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chương trình trên địa bàn, tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm của địa phương. Phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...