Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sơn Dương (Tuyên Quang): Tiếp thêm động lực cho người dân thoát nghèo bền vững

Việt Hà - 12:17, 11/12/2023

Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở, giải quyết việc làm... mà công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) hướng dẫn hội viên thôn Vạt Chanh trồng dưa chuột thoát nghèo để phát triển kinh tế.
Phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) hướng dẫn hội viên thôn Vạt Chanh trồng dưa chuột để phát triển kinh tế.

Làm giàu trên chính quê hương

Thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – nơi có trên 95% dân tộc Dao Đỏ sinh sống là điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Lương Thiện.

Những năm trước đây, việc có thu nhập vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ từ trồng rừng, chỉ như là giấc mơ của người Dao Đỏ ở vùng đất khó xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương. Nhưng nay, nhờ thay đổi tư duy sản xuất, làm ăn, người Dao nơi đây không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Từ năm 2015 đến nay, nhờ phát triển kinh tế rừng, chè kết hợp chăn nuôi trâu, bò, người Dao nơi đây không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Nhiều nhà thoát nghèo, xây được nhà mới khang trang từ trồng rừng. Đến nay, đa số hộ có nhà xây kiên cố.

Trước đây, đa phần người dân chỉ canh tác ít chè và trồng lúa nên thu nhập rất thấp. Nay, nhờ kinh tế rừng, đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đã có của ăn của để. Không chỉ phát triển kinh tế nhờ rừng, chè, chăn nuôi trâu bò, người dân còn mạnh dạn đưa cây Sachi vào trồng, bứt phá trong phát triển kinh tế.

Chị Đặng Thị Luyến, người dân thôn Khuân Mản bày tỏ là một trong số nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây Sachi. Chị Luyến chia sẻ, cây Sachi thu hoạch được cả năm, hợp với ruộng đất trong thôn. Nếu đầu ra tốt thì cây trồng này sẽ đem đến cho người dân thêm một cơ hội phát triển kinh tế mới vì gia đình chị trồng trên 2 sào, thu 2 đợt cũng được trên 1 tạ hạt, với giá bán 60 nghìn đồng/1kg. Tính ra giá trị kinh tế cũng khá.

Người dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang từng ngày nỗ lực thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống
Người dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang từng ngày nỗ lực thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống

Đa dạng giải pháp giúp dân giảm nghèo bền vững

Trong nhiều năm qua, cùng chính sách hỗ trợ hộ nghèo để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và tránh tái nghèo, cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện sau khi thoát nghèo đã có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từ đó đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hằng năm các xã trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Bên cạnh đó, huyện Sơn Dương cũng đã đẩy mạnh việc cung cấp gói vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; chú trọng triển khai các chính sách đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến đối tượng là lao động nghèo.

Xác định trong công tác giảm nghèo, điều quan trọng nhất là khơi dậy được ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ dân, huyện Sơn Dương đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Trong đó tập trung các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra, các xã trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp cùng với các doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động... Đa số lao động trong ở các xã đều có việc làm ổn định tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đó cũng là một nguồn thu nhập đáng kể trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai. Trong năm, toàn huyện đã có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà, hàng nghìn người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Các chính sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Sơn Dương từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của nhân dân được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Những kết quả trên cho thấy chương trình giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện Sơn Dương.